Đoàn công tác của ILO có bà Karen Curtis, Trưởng bộ phận về tự do hiệp hội, ILO Geneve; ông Tim De Meyer, Cố vấn cấp cao về tiêu chuẩn lao động, ILO Geneve; ông Alain Pelce, Chuyên gia cao cấp về tiêu chuẩn lao động quốc tế và luật lao động, nhóm chuyên gia việc làm thỏa đáng Băng-cốc; ông Arun Kunar, Chuyên gia thương lượng tập thể và đối thoại xã hội, ILO Băng-cốc.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cảm ơn ILO thời gian qua đã hỗ trợ Việt Nam nói chung, Bộ LĐTBXH nói riêng trong tư vấn xây dựng các mô hình pháp luật, hỗ trợ phổ, triển khai các công ước của ILO, giúp Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn lao động khi tham gia các hiệp định song phương, đa phương, từ đó giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đối với nội dung buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, các vấn đề ILO tham vấn ngày hôm nay về tiến độ của Việt Nam trong việc phê chuẩn và thực hiện các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động là cơ sở để Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc nâng cao các tiêu chuẩn lao động, đồng thời thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã thông tin tới đoàn làm việc của ILO về tiến độ của Việt Nam trong việc phê chuẩn các Công ước của ILO và những nỗ lực trong việc thúc đẩy, thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam.
Theo đó, ngày 20/5/2021, Bộ LĐTBXH và ILO đã ký Bản ghi nhớ về Hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và đưa ra 6 nhóm công việc/lĩnh vực hợp tác. Đối với nhóm công việc về nghiên cứu, đề xuất gia nhập các công ước của ILO, Bản ghi nhớ xác định, trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ nghiên cứu đề xuất gia nhập 15 Công ước của ILO.

Bà Karen Curtis, Trưởng bộ phận về tự do hiệp hội, ILO Geneve chia sẻ tại buổi làm việc
Thời gian qua, với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan, Việt Nam đã gia nhập 25 Công ước của ILO, trong đó có 9/10 Công ước cơ bản của ILO, 3/4 Công ước ưu tiên và 13 Công ước kỹ thuật. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất gia nhập Công ước số 87 về Tự do hiệp hội và Bảo vệ quyền tổ chức (là Công ước cơ bản cuối cùng của ILO mà Việt Nam chưa phê chuẩn).
Chia sẻ thêm về tiến độ triển khai các Công ước, Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình cho biết Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nỗ lực, bền bỉ trong thúc đẩy, thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam. Vụ trưởng dẫn chứng, 2 Công ước mà Việt Nam mới gia nhập là Công ước số 98 về Thương lượng tập thể và Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức đã được nội luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Báo cáo gửi ILO về tình hình thực hiện 2 Công ước này và đã được Ủy ban chuyên gia ILO phản hồi.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Karen Curtis, Trưởng bộ phận về tự do hiệp hội, ILO Geneve cho biết việc gia nhập vào các Công ước của ILO sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với đó giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Bà Karen Curtis cam kết cùng ILO hỗ trợ để Việt Nam khắc phục những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình nghiên cứu, đề xuất gia nhập các Công ước của ILO, qua đó nâng cao các điều kiện về lao động theo tiêu chuẩn lao động quốc tế, đảm bảo quyền lợi của người lao động về tiền lương, an toàn lao động, an sinh xã hội,…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm