Luật Tiếp cận thông tin - Phương tiện pháp lý hữu hiệu góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người theo Hiến pháp năm 2013
Luật Tiếp cận thông tin - Phương tiện pháp lý hữu hiệu
góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người theo Hiến pháp năm 2013
Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc từ năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốcvề chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển....
Khái quát chung về tiếp cận thông tin
Trên thế giới, Luật Tiếp cận thông tin được ban hành từ rất sớm. Đi đầu trong số các quốc gia ban hành đạo luật này là Thụy Điển (năm 1766), đa số các nước còn lại ban hành luật vào những năm 90 trở lại đây. Ở Châu Á, nhiều nước đã ban hành luật về tiếp cận thông tin, như Thái Lan (năm 1997), Hàn Quốc (năm 1996 và sửa đổi, bổ sung vào các năm 2004, 2008), Nhật Bản (năm 2001), Ấn Độ (năm 2005), Trung Quốc (năm 2007), Inđônêxia (2008)... Đến nay, đã có khoảng trên 100 quốc gia ban hành đạo luật riêng quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Với nhiều tên gọi khác nhau, như: “Luật tự do thông tin”, “Luật tiếp cận thông tin”, “Luật tăng cường tiếp cận thông tin” hay “Luật tăng cường tiếp cận các hồ sơ hành chính nhà nước”... nhưng các luật này đều quy định sự bảo hộ của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Ở Việt Nam, nội dung về quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận trong Hiến pháp từ những năm 1992[1] và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp hiện hành năm 2013. Theo đó: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Nhằm cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin theo Hiến pháp năm 2013 và cùng với quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin. Luật này gồm 5 chương, 37 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.
Những nội dung cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin
Luật Tiếp cận thông tin quy định cách hiểu thống nhất đối với một số khái niệm cơ bản trong Luật này, bao gồm: Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra. Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản. Tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin. Cung cấp thông tin bao gồm việc cơ quan nhà nước công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.
Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin: Để đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân được tôn trọng và thực hiện, Luật đưa ra các nguyên tắc: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác; nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin: Chủ thể được thực hiện quyền thông tin là công dân; đối với trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu thông qua người giám hộ; người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác. Đối với các trường hợp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, sẽ được bảo hộ một số quyền, lợi ích chính đáng theo nguyên tắc đối xử quốc gia hoặc có đi có lại, bởi vậy, Luật quy định họ chỉ được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ (Khoản 1, Điều 36).
Thông tin công dân được tiếp cận và không được tiếp cận:
Luật Tiếp cận thông tin quy định: “Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Luật này; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 của Luật này”. Cụ thể: Thông tin công dân không được tiếp cận là thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật; thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ. Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện là thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.
Phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin:
Về nguyên tắc, cơ quan nhà nước có trách nhiệm trực tiếp cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin như đã nêu trên; đối với trường hợp quy định tại Điều 7 của Luật Tiếp cận thông tin thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định. Ngoài ra, Luật Tiếp cận thông tin quy định trách nhiệm cung cấp thông tin đối với một số chủ thể “đặc biệt”, đó là:
Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm cung cấp thông tin do Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tạo ra và thông tin do mình tạo ra;
Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do Chủ tịch nước tạo ra và thông tin do mình tạo ra;
Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm cung cấp thông tin do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo ra và thông tin do mình tạo ra;
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm cung cấp thông tin do Đoàn đại biểu Quốc hội tạo ra và thông tin do mình tạo ra;
Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tạo ra và thông tin do mình tạo ra;
Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tạo ra và thông tin do mình tạo ra;
Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tạo ra và thông tin do mình tạo ra;
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp cho công dân cư trú trên địa bàn thông tin do mình và do các cơ quan ở cấp mình tạo ra, thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cung cấp cho công dân khác thông tin này trong trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định đầu mối thực hiện cung cấp thông tin trong hệ thống tổ chức của mình.
Cách thức và chi phí tiếp cận thông tin:
Luật quy định công dân được tiếp cận thông tin thông qua hai cách thức: tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
Theo thông lệ của các nước trên thế giới, Luật Tiếp cận thông tin của nước ta quy định: Công dân được cung cấp thông tin không phải trả phí, lệ phí, trừ trường hợp luật khác có quy định. Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin.
Các hành vi bị nghiêm cấm: Khi thực hiện cung cấp thông tin và sử dụng dụng thông tin, Luật nghiêm cấm đối với một trong các hành vi sau: Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ; trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin; cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.
Quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo: Người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điều 9 của Luật Tiếp cận thông tin. Công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. Việc khiếu nại, khởi kiện, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính.
Xử lý vi phạm: Để đảm bảo việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, Luật Tiếp cận thông tin quy định hình thức xử lý đối với trường hợp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người cung cấp thông tin có một trong các hành vi bị nghiêm cấm nêu trên mà gây thiệt hại thì cơ quan nhà nước cung cấp thông tin phải bồi thường thiệt hại, cá nhân có hành vi vi phạm có trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đối với người thực hiện quyền tiếp cận thông tin, sử dụng thông tin được cung cấp gây ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật
Triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin ở Hải Phòng
Xác định việc triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Sở Tư pháp thành phố đã tích cực, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân ban hành Kế hoạch số 2232/KH-UBND ngày 19/10/2016 và Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 14/6/2017 về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Thành phố đã tổ chức 01 Hội nghị trực tuyến quán triệt việc thi hành Luật Tiếp cận thông tin cho lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các Sở, ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện; tổ chức 01 Hội nghị phổ biến, giới thiệu Luật Tiếp cận thông tin cho cán bộ pháp chế của các Sở, ban, ngành; Phòng Tư pháp các quận, huyện; lãnh đạo và cán bộ tư pháp- hộ tịch các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Sở Tư pháp tổ chức biên tập, in và phát hành hàng vạn Tờ gấp pháp luật và Tập tài liệu Triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; Lập danh mục, gửi các Sở, ngành và trực tiếp thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố để triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin...Là đơn vị được Ủy ban nhân dân giao nhiệm vụ làm đầu mối trong công tác triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tổng hợp, lập danh sách cán bộ đầu mối cung cấp thông tin của các cơ quan, đơn vị địa phương theo quy định; tổ chức các Hội nghị tập huấn chuyên sâu về Luật Tiếp cận thông tin cho đội ngũ thực hiện công tác này theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố; xây dựng, ban hành Quy chế nội bộ về việc cung cấp thông tin; lập danh mục thông tin…Các nhiệm vụ này sẽ được hoàn thành trước ngày 01/6/2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo đảm quyền được thông tin là một trong những điều kiện cần thiết để xây dựng một thể chế dân chủ và nhà nước pháp quyền. Trong bối cảnh đất nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thông tin trở thành một yếu tố vô cùng cần thiết trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Việc ban hành và triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin góp phần hữu hiệu trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận và khẳng định trong Hiến pháp Việt Nam./.
[1] Điều 69 Hiến pháp năm 1992: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật..