image banner

 

Lịch sử hình thành và phát triển của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

PHẦN THỨ NHẤT
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG


CHƯƠNG MỘT
NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HẢI PHÒNG - KIẾN AN NHỮNG NGÀY ĐẦU CÁCH MẠNG VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC(1945 - 1955)

 

I. NHỮNG NĂM ĐẤU TRANH XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN VÀ BẢO VỆ CHẾ ĐỘ MỚI (1945 - 1946)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh,nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã vượt qua những thử thách cam go, quyết tâm xây dựng cơ sở cho chế độ mới, trong đó, việc củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, từ trung ương đến địa phương, là hết sức cần kíp.

- Ngày 28-8-1945, chỉ 9 ngày sau Tổng khởi nghĩa thắng lợi tại Hà Nội (19-8-1945), Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh thành lập 13 bộ. Ông Lê Văn Hiến giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động. Ông Nguyễn Văn Tố giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, huyện, xã chưa hình thành bộ máy nhưng đều có cán bộ phụ trách công tác lao động, cứu tế xã hội. Sự kiện này được xác định là Ngày ra đời Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nước ta.

- Ngày 01-01-1946, trước sự đòi hỏi quyết liệt của 2 Đảng Việt Quốc, Việt Cách,Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời. Ông Nguyễn Văn Tố giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội và ông Lê Văn Hiến giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động.

- Sau Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội (06-01-1946), kỳ họp thứ I (2-3-1946), Quốc hội biểu quyết tán thành đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mở rộng thêm 70 đại biểu đại diện cho Đảng Việt Quốc, Việt Cách không qua bầu cử và quyết định thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, có10 bộ. Ông Trương Đình Tri (đại diện Đảng Việt Cách) giữ chức Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế, cứu tế và lao động.

Tại kỳ họp thứ II (từ ngày 28-10 đến 09-11-1946), trong điều kiện phần lớn các đại biểu củaĐảng Việt Quốc và Việt Cách bỏ nhiệm vụ chạy theo quân Tưởng hoặc bị trừng trị vì tội phản quốc,Quốc hội đã ủy nhiệm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ mới. Ngày 03-11-1946, Quốc hội đã biểu quyết tán thành Chính phủ mới do Hồ Chí Minh thành lập. Ông Nguyễn Văn Tạo giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động.Ông Chu Bá Phương (đại diện Đảng Việt Cách) làm Bộ trưởngBộ Cứu tế.

- Ngày 26-11-1946, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 226/SL tổ chức Bộ Lao động và ngày 14-4-1948, Sắc lệnh số 169/SL, tổ chức cơ quan lao động địa phương. Tuy nhiên, do cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng ác liệt nên việc triển khai sắc lệnh này còn gặp nhiều khó khăn.

Những việc làm của Chính phủ mới ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa là đáp ứng yêu cầu cấp thiết của tình hình đất nước vừa thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến. Nhà nước công nông non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, tình trạng sản xuất đình đốn, người lao động không có việc làm; tuyệt đại bộ phận nhân dân thất học, mù chữ, tệ nạn xã hội tràn lan; thù trong, giặc ngoài câu kết với nhau nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Thế nước được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Những vấn nạn đó được Hồ Chủ tịch đúc kết thành ba thứ giặc “giặc đói”, “giặc dốt”“giặc ngoại xâm”. Trong bối cảnh như vậy, hệ thống theo ngành dọc cấp dưới của các Bộ chưa được thành lập nhưng trong Ủy ban cách mạng cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã đều bố trí ủy viên phụ trách công tác xã hội.

Ủy ban Cách mạng lâm thời thành phố Hải Phòng, thành lập ngày 23-8-1945, gồm 6 thành viên. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi (đại biểu tư sản) là ủy viên, phụ trách công tác xã hội. Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Kiến An, thành lập ngày 24-8-1945, gồm 7 thành viên. Bà Lê Thị Hảo (đại biểu Việt minh) là ủy viên, phụ trách công tác xã hội.Sau bầu cử Hội đồng nhân dân, ngày 25-4-1946, Ủy ban hành chính các cấp, do đại biểu Hội đồng nhân dân bầu, được bố trí đủ các ủy viên và bộ phận giúp việc; trong đó, có các lĩnh vực xã hội, cứu tế, lao động…

1. Giải quyết những vấn đề xã hội:

Ngày 03-9-1945, Hội đồng Chính phủ họp đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, với tinh thần cơ bản:

- Một là, phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói. Trong khi chờ đợi thu hoạch hoa màu, sẽ mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo.

- Hai là, mở chiến dịch chống nạn mù chữ.

- Ba là, tổ chức càng sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân.

- Bốn là, mở phong trào giáo dục tinh thần cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại.

- Năm là, bãi bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò và nghiêm cấm việc hút thuốc phiện.

- Sáu là, tuyên bố quyền tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo[1].

Những nhiệm vụ trên với mục tiêu chủ yếu là giải quyết vấn đề an sinh xã hội, nhằm nhanh chóng ổn định tình hình và trấn áp phản cách mạng, chống “Thù trong, giặc ngoài”, bảo vệ chính quyền non trẻ…

Những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ và kêu gọi của Hồ Chủ tịch đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cứu đói, lập “Hũ gạo tiết kiệm”, mỗi bữa bớt lại một nắm gạo, mười ngày nhịn ăn một bữa, để “nhường cơm sẻ áo” hỗ trợ cho những người khó khăn, bị đứt bữa được toàn dân hưởng ứng. Ở nông thôn tỉnh Kiến An và ngoại thành Hải Phòng, chính quyền thực hiện ngay việc chia ruộng đất của các chủ đồn điền hoặc địa chủ đã bỏ chạy và ruộng đất công cho nông dân, buộc chủ ruộng giảm tô 25% cho tá điền, hoãn nợ…Toàn dân thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, “Không để một tấc đất hoang”, nông dân tập trung cấy lúa, trồng rau màu. Cùng đó, chính quyền các cấp thực hiện ngay việc xóa bỏ các thứ thuế vô lý.Chính quyền, đoàn thể vận động các nhà hảo tâm, gia đình khá giả quyên góp hỗ trợ những người nghèo khó, vô gia cư; khuyến khích các nhà buôn bỏ vốn mua lương thực ở các tỉnh khác và cho nhập ngũ cốc qua cảng, cấm xuất khẩu gạo, nấu rượu bằng gạo, ngô… để ổn định lương thực, ngăn chặn nguy cơ nạn đói. Nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà góp 105 lạng vàng và tổ chức mua gạo cứu trợ cho nhân dân. Bà Nguyễn Thị Năm tổ chức nấu cơm, nấu cháo phát chẩn…Khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân, lao động (các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn nằm trong tay các chủ tư sản) được chính quyền quan tâm ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa. Với nỗ lực rất lớn của chính quyền, của toàn dân và đóng góp của các nhà hảo tâm, nguy cơ nạn đói cơ bản bị đẩy lùi.

Trước cách mạng, tại thành phố Hải Phòng, tệ nạn xã hội tràn lan. Các sòng bạc, tiệm hút, ổ chứa mại dâm… có ở khắp nơi. Số người nghiện ma túy, cờ bạc, rượu, hành nghề mại dâm và ăn xin, vô gia cư khá lớn. Chính quyền đã tiến hành tập hợp, thu gom, bố trí việc làm hoặc tạo điều kiện cho họ về với gia đình. Do vậy, các đối tượng này giảm hẳn.

Do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, trên 95% dân số nước ta thất học, mù chữ. Cuộc vận động diệt “Giặc dốt”, xóa nạn mù chữ được toàn dân hưởng ứng. Ban Bình dân học vụ, diệt dốt được thành lập từ thành phố, tỉnh đến các làng xã. Mọi người dân am đều hăng hái đi học chữ.Các cháu đến trường phổ thông.Từ thanh niên đến các cụ phụ lão, ngày đi làm, tối đến lớp.Do vậy, trong vài tháng, người dân đã cơ bản biết đọc, biết viết. Qua học chữ, hiểu biết, nhận thức được nâng lên, mọi người càng hăng hái tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Toàn dân tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch, quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng và chế độ mới.

2. Về lao động:

Thành phố Hải Phòng vốn là một trung tâm công nghiệp, cửa khẩu giao thương quốc tế, có đội ngũ công nhân, lao động đông đảo. Tính đến trước tháng 12-1946, ở miền Bắc và Trung kỳ có 100.000 lao động làm công ăn lương, trong đó, thành phố Hải Phòng chỉ đứng sau Hà Nội (Hải Phòng 30.000, Hà Nội 40.000, Hòn Gai 10.000, Nghệ An 4.000 người). Do vậy, sớm phục hồi sản xuất, khắc phục nạn thất nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động là một trong những việc làm cấp bách sau cách mạng.

Thời kỳ này, các cơ sở sản xuất, hệ thống tài chính - ngân hàng vẫn nằm trong tay các nhà tài phiệt nước ngoài. Thực hiện sắc lệnh, thông tư của Chính phủ về Chế độ lao động của công nhân, về Quan hệ giữa chủ và thợ, thành phố chỉ đạo thành lập Ủy ban Kiểm soát kỹ nghệ (sau đổi thành Ủy ban công xưởng) trong các nhà máy, xí nghiệp, cảng… Số đông công nhân, lao động trở lại làm việc, nhất là ở Cảng và các cơ sở dịch vụ công, như điện, nước, bưu điện, giao thông, vệ sinh, y tế…

Theo chủ trương của Chính phủ, các chủ nhà máy tạm thời áp dụng Bộ luật Lao động năm 1936, dưới thời Mặt trận Nhân dân Pháp, nòng cốt là Đảng Cộng sản, nắm chính quyền và được sửa đổi một số điều cho phù hợp với chế độ mới theo Nghị định số 01, 02 ngày 1-10-1945. Hai nghị định này qui định người lao động ngày làm việc 8 giờ, chủ muốn sa thải lao động phải báo trước 1 tháng; công nhân được hưởng tiền phụ cấp khi bị thải hồi. Ngày 8-11-1946, Quốc hội thông qua Dự án Luật Lao động, nhằm đặt nền móng cho Bộ Luật Lao động của Chính phủ đang soạn thảo. Nội dung Dự án Luật Lao động gồm 25 điều với tinh thần cố gắng đoàn kết, dung hòa quyền lợi cả chủ và người lao động. Những vấn đề có tính nguyên tắc trong Dự án Luật Lao độnglà: Người lao động phải được tôn trọng, giá trị phải được đáp ứng xứng đáng; có chế độ học nghề; lập và thi hành khế ước; phụ cấp; thời giờ làm việc và giờ nghỉ; bảo vệ sức khoẻ công nhân; bảo vệ công nhân nữ và trẻ em; quyền tập hợp và đình công của công nhân. Áp dụng Luật Lao động năm 1936 và Dự án Luật Lao động năm 1946 đã góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi của những người lao động trong các nhà máy, trong đó, có cả của tư bản Pháp và nước ngoài khác vẫn đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

3. Công tác liệt sĩ - thương binh:

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, trong đấu tranh bảo vệ chính quyền và chế độ mới, nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng.Lực lượng tự vệ, cảnh sát xung phong, cảnh vệ, bộ đội được thành lập. Các đơn vị này trực tiếp trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ các cơ quan chính quyền, giữ gìn trật tự trị an thành phố. Những liệt sĩ đầu tiên là những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia trấn áp bọn phản cách mạng và bị quân Tưởng, quân Pháp bắt cóc, thủ tiêu. Đồng chí Hoàng Văn Trành (Hoàng Thiết Tâm) cùng một số chiến sĩ trong lực lượng Ty Liêm phóng, Công an xung phong, bộ đội đã hy sinh anh dũng và bị thương trong trận tiêu diệt bọn phản động Việt quốc ở nhà Bảo Hương tại thị xã Kiến An.

Trong giai đoạn này, dù chưa có chính sách riêng đối với thương binh, liệt sĩ nhưng chính quyền thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An đã có những việc làm hết sức thiết thực và rất chu đáo, từ việc tổ chức lễ truy điệu, tuyên dương công trạng của các liệt sĩ đến việc chữa trị vết thương và tạo điều kiện bố trí cho thương binh có công việc phù hợp hoặc vào nơi nuôi dưỡng. Qua đó, bước đầu đánh dấu việc tổ chức thực hiện công tác chăm lo cho thương binh, liệt sĩ tại thành phố Hải Phòng thời kỳ đầu xây dựng chính quyền và bảo vệ chế độ mới.

II. NHỮNG NĂM KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1946-1955)

Một tháng sau khi Hồ Chủ tịch thăm nước Pháp về đến Hải Phòng, ngày 20-11-1946, quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành phố, mở đầu cuộc xâm lược nước ta trên qui mô lớn. Trong một tuần chiến đấu bảo vệ thành phố, nhiều trận đánh ác liệt diễn ra tại Nhà hát lớn, Ga, Bưu Điện, ngã tư trại Bảo an binh (Bộ chỉ huy quân sự hiện nay)… Nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương và hàng nghìn đồng bào ta bị địch sát hại.

 Chiều ngày 22-11-1946, thành phố tổ chức trọng thể lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ trong trận chiến đấu tại Nhà hát lớn mà Pháp mới trao trả. Đại diện của Ủy ban bảo vệ thành phố đọc điện của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy các lực lượng vũ trang: “Tôi xin thay mặt Chính phủ và toàn thể quân đội Việt Nam nghiêng mình trước vong linh các liệt sĩ, các đồng chí đã hy sinh vì Tổ quốc. Tấm gương kỷ luật và chiến đấu ấy, toàn thể bộ đội và dân quân sẽ ghi nhớ và noi theo. Tổ quốc mãi mãi nhớ ơn các đồng chí[2].

Trưa ngày 23-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân dân Hải Phòng chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, quân dân Hải Phòng đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ từng căn nhà, góc phố. Ngày 26-11, lực lượng ta rút khỏi thành phố, lập các phòng tuyến bao vây địch trong nội thành.Hàng vạn đồng bào cũng tản cư ra vùng nông thôn.Liên tỉnh Hải - Kiến được thành lập. Dù trong điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt của chiến tranh, Liên Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên tỉnh đã từng bước chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách về lao động, thương binh và xã hội của Chính phủ.

1. Công tác thương binh và xã hội:

Tháng 02-1947, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ “Lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình tử sĩ; quy định tiêu chuẩn để xác nhận thương binh, tử sĩ. Đây là văn bản có tính pháp lý đầu tiên quy định chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.

Ngày 17-7-1947, Hồ Chủ tịch gửi thư cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” sẽ tổ chức vào ngày 27-7. Trong thư, Bác viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí ốm đau, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy… Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh[3]. Từ đó, ngày 27-7 được chọn là Ngày thương binh, liệt sĩ.

Trong quá trình thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, Chính phủ tiếp tục ban hành những văn bản nhằm bổ sung, điều chỉnh các qui định cho phù hợp với tình hình thực tế. Tiêu biểu là Sắc lệnh số 242/SL ngày 12-10-1948; Nghị định Liên Bộ số 49/TB-QP-TC ngày 19-11-1948; Nghị định Liên Bộ số 69/TB-QP-TC ngày 16-4-1951 giữa Bộ Thương binh, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính …

Những năm 1946-1949, thành phố Hải Phòng và các huyện của tỉnh Kiến An bị thực dân Pháp chiếm đóng, chỉ còn lại huyện Tiên Lãng và từ năm 1950 bị chiếm đóng hoàn toàn (giữa năm 1951, huyện Vĩnh Bảo được chuyển từ tỉnh Hải Dương về tỉnh Kiến An). Trong tình thế bị địch càn quét, khủng bố ác liệt, chính quyền hai tỉnh, thành phố phải rút khỏi địa bàn, do vậy, không có điều kiện để thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Thương binh được các địa phương, đơn vị tự lo cứu chữa, số nhẹ vẫn tiếp tục chiến đấu, số khác được bố trí ra vùng tự do để tham gia tăng gia sản xuất…

2. Công tác lao động:

Trong những năm kháng chiến, Chính phủ ban hành một số chính sách phục vụ cho quản lý lao động, nhất là đối với cán bộ, công nhân tham gia kháng chiến, trong đó, có chính sách khuyến khích, hướng dẫn, động viên công nhân ở các thành phố chuyển ra khu căn cứ tham gia sản xuất vũ khí để đánh giặc.

Ngày 14-4-1948, Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh số 169/SL tổ chức cơ quan lao động địa phương. Tuy nhiên, do cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng ác liệt nên việc triển khai sắc lệnh này ở Hải Phòng - Kiến An chưa thực hiện được. Những ngày quân Pháp đánh chiếm thành phố, hàng vạn đồng bào nội thành tản cư sang vùng nông thôn Kiến An và tỉnh Thái Bình. Công nhân nhiều nhà máy, xí nghiệp đã chuyển máy móc, thiết bị, nguyên liệu sang các huyện Thủy Nguyên, An Lão, Vĩnh Bảo… sau đó ra vùng tự do để lập các công binh xưởng, các xưởng in, sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ kháng chiến và đời sống nhân dân. Đồng bào nội thành, công nhân, lao động tản cư đã được nhân dân và chính quyền các địa phương tạo điều kiện về nơi ở, làm nghề, tăng gia sản xuất, buôn bán. Ngư dân Đồ Sơn tản cư sang Thái Bình được bố trí sống tập trung, tổ chức thành các tập đoàn đánh cá. Liên tỉnh còn tổ chức các đội sản xuất muối, nước mắm, thuốc lá, dệt vải ở Đống Năm (Thái Bình), nhằm giải quyết việc làm cho các gia đình cán bộ, viên chức và góp phần tự túc kinh phí cho chính quyền. Từ năm 1950, thành phố lập căn cứ và khu tăng gia ở Tân Mộc huyện Lục Ngạn, Mai Sưu, Hổ Lao huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang. Hàng trăm lượt cán bộ, du kích và nhân dân tham gia sản xuất lấy lương thực, thực phẩm và kinh phí cung cấp cho các cơ quan của thành phố.

Trong nội thành, Thành ủy chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể, nhất là tổ chức Công đoàn, dựa vào Luật Lao động, Luật Tự do nghiệp đoàn của địch để đấu tranh bằng các hình thức lãn công, bãi công, biểu tình đòi quyền lợi kết hợp với bí mật phá hoại kinh tế địch… Do vậy, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dù bị kẻ thù ra sức càn quét, khủng bố nhưng Đảng bộ, chính quyền thành phố vẫn coi trọng chỉ đạo phong trào đấu tranh trong vùng địch chiến đóng để bảo vệ quyền lợi (việc làm và lợi ích) của người lao động.

Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Hải Phòng - Kiến An nằm trong vùng tập kết chuyển quân 300 ngày của Pháp. Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Hải Phòng - Kiến An đã tập trung chỉ đạo kết hợp chặt chẽ đấu tranh chống địch phá hoại, tháo dỡ máy móc, thiết bị; dụ dỗ, cưỡng ép dân di cư vào Nam; bắt thanh niên đi lính; chôn giấu vũ khí, cài gián điệp chuẩn bị kế hoạch hậu chiến với buộc các chủ nhà máy, xí nghiệp giải quyết chế độ cho người lao động, lập kế hoạch phục hồi sản xuất sau khi tiếp quản… Công đoàn thành phố đã chỉ đạo 70 cuộc đấu tranh chống chủ nhà máy sa thải, dãn thợ, dây dưa việc trả lương ở các nhà máy, xí nghiệp…

Ngày 13-5-1955, lực lượng ta vào tiếp quản giải phóng thành phố. Trong 10 năm (1945-1955), sau Cách mạng Tháng Tám xây dựng chế độ mới và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tuy hệ thống tổ chức về lao động, thương binh và xã hội chưa được hình thành từ Trung ương đến địa phương, nhưng chính quyền thành phố Hải Phòng, tỉnh Kiến An đã có những chủ trương và thực hiện các biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách đối với người lao động, với gia đình liệt sĩ, thương binh và triển khai các phong trào bảo đảm vấn đề xã hội đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, thành phố.

 

CHƯƠNG HAI
NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI NHỮNG NĂM XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1955 - 1975)

 

I. CÔNG TÁC LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HẢI PHÒNG - KIẾN AN NHỮNG NĂM 1955 - 1962

Miền Bắc được giải phóng, công tác về lao động, thương binh và xã hội có trách nhiệm hết sức nặng nề. Hai ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành, bổ sung nhiều chủ trương, chính sách mới đối với công tác lao động, thương binh và xã hội.

Thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An được giải phóng sau cùng của miền Bắc (5-1955). Dưới sự chỉ đạo của Ngành Lao động và ngành Thương binh - Xã hội Trung ương, chính quyền hai tỉnh, thành phố đã tập trung cao vào những vấn đề cơ bản, như ổn định tình hình trật tự, an ninh; ổn định đời sống nhân dân; phục hồi sản xuất; giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện chính sách đối với gia đình liệt sỹ, thương binh và các đối tượng khác.

1. Công tác lao động:

Ngay sau tiếp quản giải phóng tỉnh Kiến An (10-5-1955) và thành phố Hải Phòng (ngày 13-5-1955), bộ máy chính quyền từng bước được kiện toàn.

- Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng được thành lập (khi tiếp quản là Uỷ ban Quân quản) ngày 05-8-1955,theo Sắc lệnh số 234/SL, trong đó, có Sở Lao động.

- Ngày 15-12-1956, Bộ Lao động ban hành Nghị định số 141/LĐ-NĐ, thành lập các Ty Lao động ở 2 tỉnh Sơn Tây, Kiến An; Điều 2 của nghị định: Ty Lao động đặt dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Khu Lao động (Khu Tả ngạn) và chịu sự lãnh đạo của Bộ Lao động về mặt nghiệp vụ công tác lao động; Điều 3 về quyền hạn và nhiệm vụ được xác định 7 lĩnh vực cơ bản.

Hệ thống tổ chức phòng, ban Lao động từng bước được hình thành ở các huyện và từ tháng 7-1961 ở ba khu phố Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền. Các xã, thị trấn, tiểu khu được bố trí một ủy viên Ủy ban hành chính và Ban đại diện phụ trách công tác lao động.

Trong những năm đầu hòa bình, yêu cầu động viên lực lượng lao động cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế - văn hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội rất lớn. Do vậy, Chính phủ đã bổ sung nhiều chính sách cụ thể liên quan đến điều chỉnh quan hệ lao động; huy động, phân bổ và sử dụng lao động; bảo đảm đời sống và điều kiện lao động cho người lao động; chế độ lương; chế độ tuyển dụng lao động; vận động nhân dân miền xuôi đi xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi…

Khi giải phóng, thành phố Hải Phòng có 27.818 công nhân thì 18.000 công nhân thất nghiệp (kể cả công nhân viên chức trong các xí nghiệp nhà binh hơn 2.000) và gần 10.000 công nhân làm các công việc khác. Ngoài ra, còn số công nhân chạy sang các tỉnh khác trước tiếp quản, như Kiến An là 1.700 (trong đó có 500 công nhân kỹ thuật), Hải Dương là 1.200 người, nay trở về không có việc làm[4]. Số công nhân, viên chức “lưu dung” từ phía Pháp bàn giao trước khi rút khá lớn cần được sử dụng trở lại như thế nào cũng là vấn đề cần tháo gỡ. Nông dân, ngư dân, diêm dân tỉnh Kiến An không có ruộng để cày cấy, thiếu vốn và phương tiện sản xuất. Hàng chục ngàn người sống trong tình cảnh nghèo khó, thất nghiệp. Ngành lao động đã tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố và Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Kiến An tích cực giải quyết việc làm cho người lao động. Thành phố Hải Phòng đã khẩn trương trợ cấp gạo, vải cho 1.512 gia đình khó khăn nhất, động viên 56.866 lượt người tham gia lao động trên các công trường khôi phục tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Mục Nam quan; bố trí việc làm tạm thời cho 4.018 công nhân. Tỉnh Kiến An tập trung hỗ trợ lương thực cho các gia đình thiếu đói.

Trận bão ngày 26-9-1955 đã tàn phá các vùng ven biển, làm hàng trăm người chết, hàng ngàn nhà ở, kho tàng bị đổ, tàu thuyền, ngư cụ, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi… Sau bão, hơn 3 vạn nông dân bị đói. Tỉnh Kiến An, thành phố Hải Phòng vận động nhân dân các vùng không bị lụt quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, quần áo, vật liệu, huy động các lực lượng quân đội, thanh niên đến giúp nhân dân vùng bị bão lụt giải quyết hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Những năm 1955 - 1960, miền Bắc tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế tư bản, tư nhân. Lãnh đạo Sở Lao động tham gia Ban Chỉ đạo. Tính đến năm 1956, Hải Phòng - Kiến An đã có 361 cơ sở sản xuất được khôi phục, thu hút 9.576 người vào làm việc. Trong những năm 1958-1960, qua cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân, thành phố Hải Phòng xây dựng thêm 28 xí nghiệp Trung ương, 21 xí nghiệp địa phương. Lực lượng công nhân lao động phát triển nhanh. Cơ bản không còn tình trạng không có việc làm.Năm 1961, thành phố đã có tới 63.393 công nhân viên chức. Nông dân, ngư dân, diêm dân ở nông thôn đều gia nhập hợp tác xã. Những người buôn bán nhỏ, thợ thủ công được tập hợp thành tổ và một bộ phận được bố trí làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp hoặc ngành thương nghiệp. Năm 1960, tỉnh Kiến An và ngoại thành Hải Phòng (Thủy Nguyên) có 977 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, có 38 hợp tác xã bậc cao, thu hút 84,18% số hộ nông dân. Những người trong độ tuổi lao động đều có việc làm. Đời sống công nhân, viên chức, nông dân ổn định, có phần được cải thiện.

Những năm 1955-1963, với vị trí là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông với nước ngoài, trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc, Hồ Chủ tịch nhiều lần về thăm quân và dân Hải Phòng - Kiến An. Lần nào về thăm, Bác cũng đều trực tiếp thăm nơi làm việc, quan tâm đến các tầng lớp nhân dân: Thăm và nói chuyện với công nhân, nông dân, trí thức, thương binh, gia đình liệt sĩ, thăm trại trẻ mồ côi, thăm các cháu học sinh… Bác thường xuyên nhắc nhở lãnh đạo thành phố phải quan tâm, chăm lo đối với các đối tượng có công với nước, những người già không nơi nương tựa…

Những lần Bác về thăm:

- Ngày 02-6-1955, chỉ 20 ngày sau giải phóng, Bác về thăm và nhắc nhở mọi người phải ra sức lao động xây dựng thành phố.

- Ngày 30 và 31-5-1957, Bác thăm công nhân Nhà máy xi măng, Cảng và phát động phong trào xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa mà con chim đầu đàn là Tổ đá nhỏ ca A Nhà máy xi măng.

- Ngày 31-3-1959, Bác thăm nhân dân Cát Bà, thăm 2 gia đình ngư dân và huyện Cát Hải, xưởng X.46 Hải quân.

- Ngày 18-01-1960, Bác thăm nhân dân tỉnh Kiến An,

- Ngày 15-3-1961, Bác thăm Nhà máy cơ khí Duyên Hải và phát động phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải” ra toàn ngành công nghiệp miền Bắc.

Những lần về thăm, Bác luôn quan tâm đến giải quyết việc làm, chế độ đãi ngộ đối với người lao động; phê phán việc phân biệt giữa các nghề nghiệp và biểu dương cô Bin, cô Thơm làm nghề moi cống, quét rác…

2. Công tác thương binh và xã hội:

Sau ngày giải phóng, trước yêu cầu thực hiện chính sách đối với thương bệnh binh, người có công và các đối tượng xã hội, Ủy ban quân chính thành phố thành lập Ban cứu bần, tập trung các đối tượng lang thang và mại dâm, tiếp đó, các Ban Thương binh và Xã hội, các cấp của thành phố Hải Phòng, tỉnh Kiến An được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Khu Tả ngạn và Bộ Nội vụ (Cục Thương binh) và Bộ Cứu tế xã hội. Hệ thống Ngành Thương binh và Xã hội từng bước được hình thành tới các huyện và từ tháng 7- 1961 được thành lập ở ba khu phố Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền. Xã, thị trấn, tiểu khu đều bố trí cán bộ làm công tác thương binh và xã hội. Ban này thuộc Văn phòng Ủy ban hành chính thành phố và tỉnh, huyện

Thời kỳ này, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã bổ sung nhiều chính sách đối với thương binh, liệt sĩ: Chế độ thương tật 6 hạng thay chế độ lương hưu thương tật theo Nghị định số 18/NĐ; Nghị định số 19/NĐ ngày 17-11-1954 của Liên Bộ Thương binh - Y tế - Quốc phòng - Tài chính. Ban hành điều lệ ưu đãi thương binh, bệnh binh, tiêu chuẩn liệt sĩ thay cho qui định về tử sĩ; qui định chế độ tiền tuất cho gia đình liệt sĩ, kể cả liệt sĩ dân, chính, đảng; Qui định việc cất bốc, qui tập mộ liệt sĩ; xây dựng nghĩa trang liệt sĩ; Qui định chế độ bệnh binh cho quân nhân tình nguyện theo Nghị định số 500/NĐ-LĐ, ngày 12-11-1958 của Liên Bộ Cứu tế xã hội - Tài chính - Quốc phòng và Nghị định số 523/TTg ngày 06-12-1958 của Thủ tướng Chính phủ. Nhà nước qui định cấp bằng Tổ quốc ghi công thay cho bằng Tổ quốc ghi ơn liệt sĩ.

Về xã hội, ngày 27-12-1961 Hội đồng Chính phủ ban hành về chế độ bảo hiểm đối với công nhân, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang.

Sau ngày được giải phóng, Ngành Thương binh - Xã hội hai tỉnh, thành phố triển khai các chính sách đãi ngộ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn dân quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách xã hội. Những người già cô đơn không nơi nương tựa, người tàn tật… được hợp tác xã cung cấp lương thực, hàng hóa thiết yếu; được tiểu khu, tổ dân phố, đoàn thể bố trí việc làm, giúp đỡ trong sinh hoạt, khám chữa bệnh… Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản được bảo đảm.

Đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, các cháu nhi đồng và học sinh miền Nam tập kết… Những lần về thăm, Bác đều đặc biệt quan tâm tới các đối tượng này:

- Ngày 30-5-1957, Bác thăm Quân y viện 7 (nay là 203), không báo trước, đi thăm khoa thương binh nặng và một số khoa, rồi xuống nhà bếp, nhà ăn. Được tin Bác đến, mọi người tập trung nghe Bác nói chuyện. Bác khen ngợi và giao nhiệm vụ cho thầy thuốc, hộ lý phải chăm sóc thương bệnh binh, vì họ là những người có công với nước. Các thương binh phải nghe theo lời bác sĩ để chữa bệnh cho chóng khỏi, vết thương mau lành. Năm 1968, Bác còn gửi lẵng hoa tặng cán bộ, thầy thuốc của Quân y viện 7.

- Ngày 31-5-1957, Bác thăm trường Nhi đồng miền Nam ở Lạch Tray. Các cháu xếp ghế ngồi quanh Bác. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe các cháu, chụp ảnh chung và liên hoan cùng các cháu. Bác dặn cán bộ, giáo viên: “Bác để ý thấy có hai ba cháu còn đau mắt, các cô, các chú phải tra thuốc cho cháu mau lành nhé”.

- Ngày 31-5-1957, Bác thăm Trại trẻ Kim Đồng Hải Phòng (địa điểm khoa Mắt Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp). Trại được lập từ đầu thế kỷ 20, để tập trung các trẻ em lang thang, mồ côi, sau ngày giải phóng 1955, được đổi thành trường Kim Đồng. Vừa bước vào trường, Bác đã nhắc nhở lãnh đạo trường phải tháo dỡ ngay hàng rào dây thép gai, rồi vào từng phòng ăn, phòng học và nơi các cháu vui chơi. Bác căn dặn các cháu và thầy cô nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ vững kỷ luật, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ…

- Ngày 18-01-1960, Bác về thăm cán bộ, nhân dân tỉnh Kiến An. Cuối buổi mít tinh, Bác nói:

+ Có 3 bó hoa Bác tặng cho ai?

+ Dạ, Bác tặng cho chiến sĩ binh đoàn bộ đội, phụ nữ và thanh niên ạ.

Bác cười nói: Phụ nữ, thanh niên không tặng Bác thì thôi. Vừa nói Bác vừa bước xuống sân tặng một cụ cao tuổi, cụ là Nguyễn Văn Hợp, người xã Tân Phong huyện Kiến Thụy, có 4 con  liệt sĩ, một cho các cháu thiếu nhi và một cho bộ đội.

II. CÔNG TÁC LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG NHỮNG NĂM XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC 1963 - 1975

Xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng của nhân dân, ngày 21-9-1962, Trung ương Đảng nhất trí chủ trương hợp nhất Hải Phòng - Kiến An. Ngày 27-10-1962, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa II đã thông qua nghị quyết về việc hợp nhất Hải Phòng - Kiến An lấy tên là thành phố Hải Phòng. Ngày 7-11-1962, hai Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy họp chung thống nhất những vấn đề hợp nhất và chọn ngày 01-01-1963 tổ chức lễ công bố.

Đề án hợp nhất hai địa phương theo phương thức sáp nhập nguyên trạng (biên chế) bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Ty Lao động tỉnh Kiến An và Sở Lao động Hải Phòng nhập chung thành Sở Lao động thành phố Hải Phòng (Trụ sở đóng tại số nhà 21 phố Lương Khánh Thiện). Ban Thương binh và Xã hội thuộc Văn phòng Ủy ban hành chính tỉnh Kiến An và Ban Thương binh và Xã hội thuộc Văn phòng Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng hợp thành Ban Thương binh và Xã hội thuộc Văn phòng Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng (Trụ sở làm việc đặt tại nhà số 02 phố Đinh Tiên Hoàng); việc hợp nhất đã tạo điều kiện cho Ngành Lao động và Ngành Thương binh - Xã hội ngày càng đáp ứng tốt hơn trong thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, về chăm sóc, bảo đảm chế độ đối với các đối tượng có công và xã hội… ở thành phố lớn thứ hai của miền Bắc.

Thực hiện Thông tư số 15/NV ngày 13-6-1963, của Bộ Nội vụ về hợp nhất các tổ chức riêng biệt vào một tổ chức thống nhất là Ban Tổ chức dân chính địa phương, ngày 21-8-1963 Ủy ban hành chính thành phố ban hành Quyết định số 2640/TCCB thành lập Ban Tổ chức và Dân chính, trong đó có các bộ phận xã hội (hưu, tuất, mất sức), Cứu tế xã hội. Bộ phận thương binh, liệt sĩ nằm trong Văn phòng Ủy ban hành chính thành phố (cán bộ, nhân viên chủ yếu là những anh em miền Nam tập kết).

1. Công tác lao động:

Sau ngày hợp nhất, hệ thống tổ chức của Ngành Lao động được củng cố và tham mưu cho Thành ủy, Uỷ ban hành chính thành phố triển khai các chủ trương của Đảng, Chính phủ và hướng dẫn của ngành về công tác lao động: Tuyên truyền phổ biến các chính sách lao động và luật lệ lao động; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các cơ sở sản xuất thi hành chế độ lao động, thể lệ lao động; giám sát việc tuyển dụng và sử dụng công nhân viên chức, lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất; giới thiệu việc làm cho người lao động; hòa giải vướng mắc giữa người lao động và người sử dụng lao động; thống kê các số liệu phục vụ cho công tác tiền lương, bảo hộ lao động, quản lý nhân công…

Những năm thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, kinh tế - xã hội Hải Phòng phát triển mạnh, nhất là công nghiệp, cảng, giao thông vận tải, ngư nghiệp… đã giải quyết tốt việc làm cho lao động. Hằng năm, lực lượng thanh niên nông thôn, đường phốvà nhiều địa phương miền Bắc được thu hút vào các nhà máy, công trường tại thành phố. Đến đầu năm 1964, thành phố có tới 74.150 công nhân, viên chức. Chế độ về tiền lương, bảo hộ lao động, phụ cấp ngành nghề và các chế độ khác do Nhà nước qui định được thực hiện khá tốt. Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được cải thiện. Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phát triển sôi nổi. Thành phố Hải Phòng trở thành quê hương của phong trào xây dựng Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, mà con chim đầu đàn là Tổ đá nhỏ ca A Nhà máy Xi măng, “Sóng Duyên Hải” của công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải, được Hồ Chủ tịch phát động nhân rộng ra toàn miền Bắc. Ở ngoại thành, các địa phương đã huy động hàng vạn lao động tập trung làm thủy lợi, tu bổ đê điều, khai hoang, lấn biển… Sản lượng lương thực tăng. Đời sống nhân dân được cải thiện.

Sau khi dựng lên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc bộ”, ngày 5-8-1964 đế quốc Mỹ dùng không quân và hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đầu năm 1965, Hải Phòng cùng cả miền Bắc chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, vừa sản xuất vừa chiến đấu, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Lao động cấp tỉnh, thành phố và các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong điều kiện mới. Đáng chú ý là Nghị quyết số 161-NQ/TW ngày 30-6-1967 của Bộ Chính trị về Phân công lại lao động xã hội; Nghị quyết 103/CP ngày 06-7-1967 của Hội đồng Chính phủ về Tăng cường quản lý lao động xã hội, bảo đảm sản xuất tốt và chiến đấu thắng lợi. Tinh thần của các nghị quyết nêu rõ quan điểm cơ bản về lĩnh vực lao động: Phải coi quản lý lao động là khâu cơ bản nhất, chính cốt nhất trong toàn bộ công tác quản lý kinh tế - xã hội. Sở Lao động đã tham mưu cho Ủy ban hành chính thành phố ban hành một số văn bản chỉ đạo các địa phương, ngành, đơn vị phải bảo đảm các chính sách về lao động, tiền lương, chế độ phân phối (lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu…) trong hoàn cảnh thời chiến; huy động cao nhất nguồn nhân lực cho di chuyển máy móc, thiết bị ra nông thôn để giữ vững sản xuất, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ thành phố…

Đến tháng 8-1966, gần 100 đơn vị sản xuất trong thành phố đã tổ chức cho 31.114 lao động đi sơ tán. Trong 2 tháng cuối năm 1966 và đầu năm 1967, hơn 17 vạn người trong nội thành đi sơ tán, chỉ còn lại 5 vạn người bám trụ sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành, đơn vị tập trung giải quyết bảo đảm việc làm, điều kiện ăn ở, học tập, chữa bệnh… cho mọi đối tượng xã hội trong bất kỳ tình huống nào.

Trong điều kiện đa số nam giới lên đường đánh Mỹ, Ban Bí thư và Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết về cán bộ nữ và lao động nữ, tăng cường lực lượng lao động nữ trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước. Liên Bộ Lao động - Y tế có thông tư qui định những lĩnh vực độc hại, nặng nhọc không được sử dụng lao động nữ. Ngành Lao động và Hội phụ nữ thành phố phối hợp triển khai chính sách lao động nữ, động viên chị em hăng hái sản xuất, công tác, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Thời kỳ này, Ngành Lao động còn tập trung hướng dẫn thực hiện các biện pháp về tổ chức lao động (phân công và hợp tác lao động, tổ chức phục vụ tại nơi làm việc, kỷ luật lao động, thi đua lao động…), xây dựng định mức lao động có cơ sở, các hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm; quản lý lao động trong nông nghiệp, nhất là trong nông trường, hợp tác xã; quản lý lao động trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp khu vực nội thành. Các chỉ tiêu về phân bổ, điều phối lao động, năng suất lao động, tiền lương được thành phố đưa vào kế hoạch kinh tế - xã hội hằng năm, được coi là chỉ tiêu pháp lệnh và chỉ tiêu hướng dẫn của các ngành, các đơn vị kinh tế khi xây dựng và thực hiện kế hoạch.

Ngành Lao động được giao quản lý công tác đào tạo công nhân kỹ thuật. Ngày 10-3-1970 Chính phủ ra nghị quyết chuyên đề về đào tạo nghề. Ngành Lao động thành phố đã có những đợt tuyển chọn, bố trí lao động đi học nghề tại các nước xã hội chủ nghĩa. Do vậy, đội ngũ công nhân thành phố đã được bổ sung lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn miền Bắc dấy lên các phong trào “Tất cả cho sản xuất”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... Các giới, các ngành cũng đều có các phong trào thi đua riêng: Thanh niên Ba sẵn sàng; phụ nữ Ba đảm đang; công nhân thi đua Tay búa, tay súng; nông dân Chắc tay cày, vững tay súng; ngư dân Chắc tay lưới, chắc tay súng… Từ năm 1969, trên mặt trận nông nghiệp, các huyện đẩy mạnh việc tổ chức và quản lý lao động nhằm phấn đấu đạt những chỉ tiêu 5 tấn thóc, 2,5 con lợn, 1 lao động trên 1 ha gieo trồng. Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tổ chức lao động nhằm thực hiện Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều. Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương huy động lực lượng lao động lớn để tổ chức vừa chiến đấu vừa sản xuất, tích cực chi viện sức người, sức của cho giải phóng miền Nam. Trong các phong trào này đã có sự đóng góp quan trọng của ngành Lao động đã tham mưu cho thành phố triển khai thực hiện các chính sách, động viên mọi nguồn lực cho sản xuất và chiến đấu.

2. Công tác thương binh, liệt sĩ và người có công:

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến tranh ngày càng ác liệt, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công giữ vị trí hết sức quan trọng. Nhà nước đã chú trọng sửa đổi, bổ sung một số chính sách, nhằm xác định rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, phương hướng của công tác thương binh, liệt sĩ; xác định trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành trong việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, đồng thời động viên thương binh, bệnh binh… nêu cao ý chí “Tàn nhưng không phế”, khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống của mình.

Trong chiến tranh phá hoại và phong tỏa của giặc Mỹ, các nhà máy, xí nghiệp, các làng xã, khu phố đều thành lập các đội cứu thương, cứu sập hầm, cứu hỏa… để giải quyết hậu quả. Dân quân, tự vệ phục vụ bộ đội, tham gia tải thương, cấp cứu thương binh, chuyển liệt sĩ và nhân dân bị bom đạn Mỹ giết hại. Thầy thuốc các bệnh viện cũng phối hợp với quân y cứu chữa thương binh. Các liệt sĩ được các cấp chính quyền, đơn vị tổ chức truy điệu trọng thể, thực hiện đúng chính sách, chế độ quy định.

Dù chiến tranh, bom đạn ác liệt, sản xuất khó khăn, đời sống thiếu thốn, Ngành Thương binh - Xã hội thành phố đã tham mưu và trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ về đào tạo, bồi dưỡng và bố trí tiếp nhận thương binh, vợ con liệt sĩ vào làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp hoặc đi học đại học và trung học chuyên nghiệp. Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp thực hiện các phong trào giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, đỡ đầu, chăm sóc con liệt sĩ; xây dựng nhà tình nghĩa, quĩ tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa… Khu vực nông nghiệp, thương binh, các gia đình liệt sĩ được cân đối, bảo đảm lương thực hằng tháng. Trong nội thành, thương binh, các gia đình liệt sĩ được ưu tiên trong chế độ phân phối nhà ở, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm, khám chữa bệnh. Công tác thương binh, liệt sĩ đã góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội, động viên thanh niên yên tâm lên đường đánh giặc.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, số thương binh, bệnh binh được đưa về hậu phương ngày càng nhiều và số báo tử cũng không nhỏ. Do vậy, công tác chính sách hậu phương quân đội trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng, nặng nề. Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm. Ngoài việc bảo đảm thực hiện chế độ đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đúng yêu cầu “Tận tay, đúng kỳ, đủ số”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố còn phải động viên, chăm sóc thường xuyên bằng các việc làm cụ thể, thiết thực. Đây thực sự là cuộc vận động quần chúng sâu rộng, động viên lòng hiếu nghĩa, tinh thần đoàn kết, gắn bó, hy sinh trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, thể hiện ý chí, tình nghĩa hậu phương đối với tiền tuyến.

Số thương binh, bệnh binh thành phố tiếp nhận được phân loại để chăm sóc.Số bị thương nhẹ được phân tán ở trong nhà dân, được nhân dân cưu mang, đùm bọc. Nhân dân ngoại thành, nhất là ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, đã huy động 8.000 ngày công cùng nguyên vật liệu xây dựng Đoàn an dưỡng 151 được 32 ngôi nhà, với diện tích trên 1.000 mét vuông, tại xã Hòa Bình, để nuôi dưỡng hàng ngàn lượt thương binh nặng. Các đoàn cán bộ và nhân dân khắp nơi, nhất là các cụ ông, cụ bà, chị em phụ nữ, các cháu thiếu nhi, thường xuyên đến thăm, động viên. Tình cảm đó thực sự là niềm an ủi lớn, giúp anh em vượt qua đau đớn của thương tật, sớm bình phục để trở lại chiến trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thương binh và xã hội, ngày 23-11-1971 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 212/CP về việc Quy định hệ thống tổ chức làm công tác thương binh - xã hội ở các địa phương. Triển khai nghị định trên, ngày 7-3-1972 Ủy ban hành chính thành phố ra Quyết định số 197/TCCQ-UB về việc sửa đổi tổ chức ngành Thương binh - Xã hội ở địa phương. Sở Thương binh và Xã hội được thành lập. Về tổ chức:

- Lãnh đạo: Giám đốc và 03 Phó giám đốc.

- Các phòng, gồm: 05 phòng chuyên môn

+ Phòng Thương binh liệt sĩ;

+ Phòng Hưu và mất sức (quản lý cả công tác B, C và đồng bào miền Nam tập kết);

+ Phòng An toàn xã hội;

+ Phòng Kế toán tài vụ;

+ Phòng Hành chính tổng hợp.

Tổng biên chế là 45 người. Các huyện Thủy Nguyên, An Hải (An Dương - Hải An), An Thụy (An Lão - Kiến Thụy), Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và ba khu phố Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền thành lập Phòng Thương binh - Xã hội, do ủy viên Ủy ban hành chính huyện, khu phố phụ trách, trực tiếp làm Trưởng phòng, huyện đội phó và khu đội phó làm Phó phòng phụ trách công tác thương binh, liệt sĩ và gia đình bộ đội. Mỗi tiểu khu và thị xã Kiến An thành lập tiểu ban. Các huyện Cát Bà, Cát Hải, thị xã Đồ Sơn không lập phòng, thành lập một bộ phận trực thuộc sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính hoặc ghép chung phòng Tổ chức và Thương binh - Xã hội, do ủy viên Ủy ban hành chính phụ trách, có cán bộ quân sự làm công tác thương binh, liệt sĩ.

Ngày 16-4-1972, vào 01 giờ 30 phút đế quốc Mỹ cho máy bay B.52 ném bom rải thảm hủy diệt khu vực từ Hạ Lý đến Thượng Lý, Sở Dầu và một số khu vực cầu Tre, xã Hưng Đạo, huyện Kiến Thụy… giết hại hơn 1.000 người, phần lớn là dân thường. Ngày 09-5, máy bay Mỹ thả hàng ngàn quả thủy lôi phong tỏa vùng biển và tất cả các luồng lạch ra vào Cảng Hải Phòng.Từ đó đến cuối tháng 12-1972, quân dân Hải Phòng lại sơ tán ra khỏi nội thành và tổ chức chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và phong tỏa lần thứ hai. Sở Thương binh - Xã hội vừa được thành lập đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, cùng các ngành, triển khai những nhiệm vụ cần kíp tham gia giải quyết hậu quả, thực hiện chính sách đối với liệt sĩ, thương binh và nạn nhân chiến tranh.

Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-01-1973). Thành phố tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách về đời sống của nhân dân.Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố chỉ đạo trợ cấp cho những gia đình bị thiệt hại trong chiến tranh. Ngành Thương binh - Xã hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp đã có những hoạt động thiết thực: Tổ chức thăm hỏi và trợ cấp, với số tiền 252.044 đồng và 4.000 tấn lương thực, cho các gia đình khó khăn, gia đình thương binh, liệt sĩ, bộ đội tại ngũ[5].


 

CHƯƠNG BA
NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HẢI PHÒNG KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH SAU CHIẾN TRANH (1975 - 1988)

 

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Nước Việt Nam độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm chiến tranh, từ đất liền đến hải đảo, từ nội thành đến ngoại thành, tất cả các ngành kinh tế - văn hoá, xã hội của thành phố Hải Phòng đều bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề và hậu quả còn tác động lâu dài trên mọi mặt của đời sống xã hội. Các tuyến giao thông sắt, bộ, thuỷ, các cầu cống lớn, các cơ sở công nghiệp của Trung ương và thành phố đều bị ném bom, phải phân tán, sơ tán, chuyển đổi mặt hàng sang phục vụ chiến tranh. Nhiều nhà máy, hàng vạn tấn máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá, hàng trăm cửa hàng, kho tàng bị phá huỷ. Nhiều công trình thuỷ lợi, trạm điện, bệnh viện, trường học, nhà ở, công trình văn hoá bị phá hoại.Gần chục ngàn người bị giết hại hoặc bị tàn phế suốt đời.Hàng nghìn trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, hàng vạn liệt sĩ. Những di chứng về bệnh tật, sức khỏe và tinh thần còn tác động lâu dài tới nền kinh tế, tới cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà. Thành phố lập Ban điều tra tội ác chiến tranh, trong đó, Sở Thương binh - Xã hội là cơ quan Thường trực và Sở Lao động là thành viên.

Theo thống kê bước đầu về tội ác chiến tranh, ở Hải Phòng, đế quốc Mỹ đã sử dụng 5.843 lượt máy bay các loại (cả B52 và F111), 58 lượt tàu chiến, ném 35.000 tấn bom, đạn, bắn hàng vạn quả đạn pháo, thả hàng ngàn quả thuỷ lôi phong toả ven biển, các luồng lạch, đánh phá 1.086 trận vào 3.083 mục tiêu, gồm 30% mục tiêu là khu dân cư và công trình công cộng, 25% vào cơ sở kinh tế, 20% vào giao thông vận tải, 25% vào các mục tiêu khác, làm chết 3.295 người (1.318 phụ nữ, 582 trẻ em, 205 người già, 707 công nhân viên chức), làm bị thương 5.429 người (2.086 phụ nữ, 611 trẻ em, 247 người già, 1.071 công nhân viên chức). Trong đó, 85% là nhân dân nội thành, nội thị. Nhà ở có 14.437 ngôi nhà tranh, 978.531m2 nhà xây, nhà cao tầng, 10 cầu lớn nhỏ và hàng trăm tàu thuyền, ngư cụ… bị phá huỷ. Thiệt hại về vật chất - kỹ thuật là rất lớn, làm tê liệt, đình trệ nhiều ngành sản xuất, gây tác hại lâu dài. Chỉ tính từ ngày 16-4-1972 đến tháng 10-1972 (chưa kể chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và 18 ngày đêm tháng 12-1972), thiệt hại của thành phố là 93.865.000 đồng (giá cố định năm 1958, bằng 5.214.722 chỉ vàng), trong đó, cơ sở Trung ương đóng trên địa bàn thiệt hại 60 triệu, địa phương thiệt hại hơn 20 triệu, thiệt hại về máy móc, thiết bị hơn 35 triệu đồng (giá 18 đồng/1chỉ vàng)[6].

Chiến tranh đã kết thúc, những người đi xa đã dần trở về đoàn tụ gia đình và hàng vạn người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xa. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt của cả nước là nhanh chóng ổn định tình hình, làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phấn khởi, tự hào trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc, tin tưởng vào đường lối, vào sự lãnh đạo của Đảng và tiền đồ của đất nước. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau thắng lợi của kháng chiến giải phóng dân tộc, đất nước ta lại phải đương đầu với 2 cuộc chiến tranh biên giới, với chính sách bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch và lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Đời sống nhân dân sa sút. Do vậy, công tác của Ngành Lao động và Ngành Thương binh - Xã hội gặp nhiều khó khăn.

Việc thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ tiếp tục được chú trọng. Được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Thương binh và Xã hội, thành phố đã xây dựng trại thương binh nặng ở huyện Thủy Nguyên để nuôi dưỡng anh em lâu dài. Thành phố cũng xác định mục tiêu của công tác chính sách là giải quyết đời sống của các đối tượng ít nhất bằng mức sống trung bình của người dân địa phương.

I. CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

1. Về công tác thương binh, liệt sĩ:

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IV ghi: “…săn sóc và giúp đỡ chu đáo anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng là một nhiệm vụ to lớn của Nhà nước, mặt trận và các đoàn thể, của các ngành, các cấp và của toàn dân”.

Trước tình hình và yêu cầu trách nhiệm nặng nề, theo đề nghị của lãnh đạo Sở, ngày 18-6-1977, Ủy ban nhân dân thành phố ra Quyết định số 336- QĐ/TCCQ, về việc Ban hành bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Sở Thương binh-Xã hội thành phố Hải Phòng. Điều lệ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các phòng chuyên môn của Sở, gồm Phòng Thương binh liệt sĩ, ra quân, sản xuất phục hồi chức năng; Phòng Quân nhân phục viên và chuyển ngành; Phòng Bảo hiểm xã hội; Phòng An toàn xã hội; Phòng Tổ chức, tuyên huấn - thi đua, thanh tra; Phòng Tài vụ; Phòng Hành chính và Ban Kiến thiết.

Ngành Thương binh và Xã hội tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành phố tổ chức tốt việc nuôi dưỡng, bố trí việc làm, theo học nghề cho thương binh, bệnh binh Đoàn 151 tại Vĩnh Bảo và Trại thương binh nặng tại Thủy Nguyên. Triển khai thực hiện việc đón thương binh nặng về gia đình. Xí nghiệp chỉnh hình được xây dựng tại khu vực Cầu Nguyệt, do Na Uy tài trợ, bảo đảm sản xuất dụng cụ chỉnh hình, đáp ứng yêu cầu của thương binh. Các cấp, ngành, đoàn thể đều cử các đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà thương binh, thân nhân liệt sĩ nhân những ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, lễ, tết… Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ phát triển sâu rộng.Với những việc làm thiết thực đó, hằng năm, ngành đã phối hợp với các nhà máy, xí nghiệp bố trí việc làm cho thương binh, vợ con liệt sĩ và tổ chức chăm sóc cho thương binh nặng tại nhà.

Cuối năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 236/HĐBT về Sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đối với thương binh, xã hội. Do đó, công việc của ngành tăng lên, nội dung phức tạp, đối tượng đông, phương pháp tính toán yêu cầu chính xác, cụ thể, chi trả lương và phụ cấp kịp thời. Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác thương binh - xã hội toàn thành phố đã phấn đấu không để sai sót trong việc thực hiện chế độ cho 80.400 người theo tinh thần nghị quyết về bổ sung chế độ mới.

2. Thực hiện chính sách xã hội:

Trước thực trạng hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, Ngành Thương binh - Xã hội thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách trợ cấp xã hội, hình thành các cơ sở bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giải quyết các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm) và tập hợp các trẻ em lang thang.

Về hình thức trợ cấp xã hội, thời kỳ này, Nhà nước có thêm trợ cấp bằng tiền.Mức trợ cấp thường xuyên là 8-10 đồng/tháng/người, ở nội thành là 10-12 đồng/tháng/người, bằng 1/3 mức lương của người có mức lương thấp nhất. Ở nông thôn, năm 1985 thực hiện trợ cấp một khẩu phần lương thực với mức 15 kg thóc một người một tháng. Nhưng chính sách này vẫn tập trung vào cứu tế đột xuất, tạm thời cho những người gặp rủi ro trong cuộc sống và trợ giúp bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho các đối tượng xã hội.Quá trình thực hiện, chính quyền các cấp, một phần dựa vào ngân sách, mặt khác đã phát huy tốt truyền thống nhân ái và sức mạnh của cả cộng đồng.

II. CÔNG TÁC LAO ĐỘNG

Sau ngày đất nước thống nhất, những năm 1975-1985 thành phố tập trung chấn chỉnh và tổ chức lao động để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phục vụ xây dựng các tuyến phòng thủ biên giới, giải quyết khó khăn về đời sống, việc làm cho người lao động trong điều kiện khủng hoảng kinh tế - xã hội...

Thời kỳ này, Trung ương Đảng có nhiều chủ trương, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) có nhiều chính sách hoặc bổ sung chính sách về phân bổ lại lao động, dân cư, về xây dựng các khu kinh tế mới, tăng cường cho biên giới, hải đảo… Ngày 27-8-1977, Ủy ban nhân dân thành phố ra Quyết định số 478/QĐ-TCCQ về việc Ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Sở Lao động thành phố. Điều lệ quy định tạm thời về vị trí, chức năng, nhiệm vụ chung; nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Sở. Tổ chức bộ máy của Sở: Phòng Điều phối lao động; Phòng Tổ chức định mức lao động; Phòng Lao động tập thể; Phòng Tiền lương; Phòng Đào tạo công nhân kỹ thuật; Phòng Bảo hộ lao động; Phòng Tổng hợp; Phòng Tổ chức hành chính; Ban Thanh tra chính sách và khiếu tố.

Trong điều kiện khó khăn sau chiến tranh, Ngành Lao động đã tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố huy động hàng vạn lao động khai hoang mở khu kinh tế mới ở Gia Minh (Thủy Nguyên), Tràng Cát (An Hải), đường 14 (An Thụy), Vinh Quang (Tiên Lãng)… đưa hơn 2.300 ha vào sản xuất và bố trí di dân đến định cư, lập thành nhiều xã mới. Khi xảy ra sự kiện “nạn kiều” người Hoa bỏ về nước và sau chiến tranh biên giới phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Hải Phòng điều động hơn 30.000 người ở các huyện An Thụy, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo ra Cát Bà, Cát Hải, Bạch Long Vĩ, các huyện vùng biên giới các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai… để sản xuất, tổ chức lực lượng tại chỗ bảo vệ biên cương Tổ quốc. Năm 1980, số nhân khẩu thành phố giảm 34.000 người, lực lượng lao động nông nghiệp giảm 19.000 người.

Ngày 29-9-1979, Ban Bí thư Trung ương ra Quyết định số 51-QĐ/TW chỉ đạo thực hiện “Quân sự hóa” Cảng Hải Phòng nên 117 người bị thôi việc và chuyển 235 người ra khỏi khu vực Cảng. Người lao động mất việc làm để lại nhiều hệ lụy nhưng “Điểm nóng” Cảng vẫn không được cải thiện, thậm chí tiêu cực càng trầm trọng hơn. Do vậy, giữa năm 1981, Ban Bí thư Trung ương ra Thông báo số 12 rút toàn bộ lực lượng quân đội ra khỏi Cảng. Ban lãnh đạo Cảng cùng thành phố gấp rút tuyển chọn lại lao động, tổ chức lại đời sống cho công nhân và phát động các phong trào thi đua… Tình hình Cảng trở lại ổn định và tiến triển tốt.

 Thời kỳ này, sản xuất nông nghiệp sa sút, đời sống nhân dân khó khăn. Xã viên hợp tác xã không thiết tha với đồng ruộng.Nhiều địa phương, các hợp tác xã tiến hành “Khoán chui” sản phẩm cho xã viên. Từ thực tiễn đó, ngày 27-6-1980 Ban Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết số 24-NQ/TU về Củng cố hợp tác xã nông nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm. Nội dung chủ yếu của nghị quyết là cải tiến quản lý trong hợp tác xã nông nghiệp, thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Tháng 1-1981, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 100-CT/TW triển khai khoán trên qui mô toàn quốc. Khoán sản phẩm như luồng gió mới tạo chuyển biến căn bản nền kinh tế nông nghiệp ở nước ta. Đổi mới về cơ chế quản lý cũng đã tác động đến chuyển biến tích cực trong phân bố và sử dụng lực lượng lao động trong nông nghiệp. Các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và các ngành kinh tế khác cũng vận dụng khoán. Do vậy, năng suất lao động tăng và đời sống người lao động được cải thiện. Một bộ phận người thiếu nhỡ việc làm được bố trí việc làm mới.

Ngành Lao động được thành phố giao trách nhiệm thành lập các trường, các Trung tâm dạy nghề. Năm 1982, Trung tâm dạy nghề của quận Lê Chân - đầu tiên của thành phố - được xây dựng và tiếp đến là các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền… Đến năm 1984, trên địa bàn thành phố có 16 trường dạy nghề của địa phương và Trung ương, gồm 4.725 học viên. Hầu hết các xã ở ngoại thành và huyện đều mở các Trường vừa làm vừa học cũng góp phần trang bị kỹ năng nghề cho lực lượng lao động sau học tập văn hóa.

Những năm này, các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế quản lý kế hoạch hóa nên công tác Lao động - tiền lương là hết sức quan trọng. Ngành Lao động đã thực thi chức năng tư vấn, hướng dẫn, xét duyệt, xây dựng định mức lao động để xác định tiền lương cho người lao động. Từ kinh nghiệm của Liên Xô, ngành đã hướng dẫn các nhà máy, xí nghiệp tổ chức lại lao động một cách khoa học, hợp lý, nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Sở thành lập phòng Định mức - Tiền lương, có chức năng hướng dẫn, giúp các đơn vị xây dựng định mức lao động, xây dựng quy chế tiền lương, tiền thưởng…

Từ năm 1980, thực hiện các Nghị quyết số 46/CP và 236/CP của Hội đồng Chính phủ về đưa công nhân đi bồi dưỡng tay nghề, hợp tác lao động ở các nước xã hội chủ nghĩa, thành phố Hải Phòng là địa phương tiêu biểu làm tốt công tác hợp tác quốc tế về lao động.

Thời kỳ này, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất dẫn đến hàng loạt lao động dôi dư, cùng với số bộ đội xuất ngũ, tạo áp lực lớn về giải quyết việc làm. Sở đã chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tiến hành phân bổ, xét duyệt cho hàng nghìn người đi lao động, trong đó quan tâm đặc biệt tới các đối tượng chính sách, tại các nước xã hội chủ nghĩa. Đáng chú ý là lần đầu tiên thành phố đưa lao động sang vùng Viễn Đông Liên Xô bằng đường biển. Nhờ đó, đã góp phần cải thiện cho một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động và gia đình họ. Thành quả ấy vẫn còn phát huy; nhiều người đã thành đạt trong sản xuất, kinh doanh tại các nước sở tại và ở trong nước. Bằng nhiều giải pháp, nhiều lĩnh vực sản xuất, những năm 1981-1985, thành phố Hải Phòng đã sắp xếp, bố trí việc làm cho 7,6 vạn lao động.

Trong hơn mười năm (1975-1988) sau ngày đất nước thống nhất, Ngành Lao động và Ngành Thương binh - Xã hội đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý, góp phần cùng toàn thành phố vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.


 

CHƯƠNG BỐN
THÀNH LẬP SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ XÃ HỘI (1988 - 2000)

 

I. THÀNH LẬP SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, hai Bộ Lao động và Bộ Thương binh - Xã hội được sáp nhập thành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngày 24-3-1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 57/HĐBT về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngày 01-4-1988, Ủy ban nhân dân thành phố ra Quyết định số 314/QĐ-TCCQ về việc Giải thể Sở Lao động, Sở Thương binh và Xã hội; thành lập Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan tham mưu của Ủy ban nhân dân thành phố, nằm trong hệ thống ngành dọc thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ Trung ương đến địa phương. Sở có trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước và phụ trách một số mặt công tác sự nghiệp về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhằm bảo đảm sử dụng đầy đủ, hợp lý và có hiệu quả nguồn lao động, bảo hộ lao động, đãi ngộ và khuyến khích lao động; thực hiện chính sách ưu đãi đối với người về hưu, thương binh, nghỉ việc vì mất sức lao động; người và gia đình có công, thân nhân liệt sĩ, quân nhân phục viên và thực hiện trợ giúp xã hội. Quyết định đã nêu cụ thể 11 nhiệm vụ và quyền hạn. Tổ chức bộ máy của Sở, ngày đầu thành lập, gồm:

- Ban lãnh đạo:

+ Giám đốc: Nguyễn Lương Trào.

+ Ba Phó Giám đốc: Lưu Văn Dứa, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Xuân Kiền.

- Các phòng ban chuyên môn giúp việc, gồm 10 phòng, ban:

+ Phòng Tổ chức - Hành chính.

+ Phòng Tổng hợp.

+ Phòng Tiền lương và trả công lao động.

+ Phòng Sắp xếp việc làm.

+ Phòng Hợp tác quốc tế về lao động.

+ Phòng Thanh tra kỹ thuật, an toàn và bảo hộ lao động.

+ Ban Thanh tra chính sách.

+ Phòng Tài vụ.

+ Phòng Chính sách thương binh và xã hội.

+ Phòng Sản xuất - nuôi dưỡng.

- Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của Sở, gồm 11 đơn vị:

+ Xí nghiệp may của thương binh.

+ Xí nghiệp 202 của người câm điếc.

+ Xí nghiệp 27/4 của người mù.

+ Khu điều dưỡng thương binh nặng.

+ Khu điều dưỡng tâm thần.

+ Khu nuôi dưỡng bảo trợ xã hội.

+ Hội người mù.

+ Ban Quản lý công trình.

+ Công ty phục vụ mai táng (tiếp nhận từ Sở Nhà đất và Công trình đô thị; sau này chuyển sang Sở Xây dựng quản lý).

+ Chi cục điều động lao động và dân cư (sau này chuyển sang Sở Nông - Lâm nghiệp quản lý).

+ Công trình 2005 (sau này chuyển sang Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố quản lý).

Biên chế quản lý Nhà nước của Sở là 75 người và biên chế sự nghiệp bảo hiểm xã hội của các đơn vị cơ sở là 95 người.

Việc hợp nhất Phòng Lao động và Phòng Thương binh - Xã hội ở huyện, quận thành Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội do Ủy ban nhân dân các huyện, quận thực hiện.

Việc thành lập Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được thực hiện khẩn trương, trên cơ sở hợp nhất bộ máy của hai sở ở thành phố, hai phòng ở huyện quận. Địa điểm số 02 phố Đinh Tiên Hoàng, trụ sở của Sở Thương binh và Xã hội, được bố trí là trụ sở của Sở mới; mọi hoạt động dần đi vào nền nếp.

Để sớm ổn định hoạt động của bộ máy, ngày 25-12-1989, Giám đốc Sở ra Quyết định số 02/QĐ/LĐTB về việc đổi tên phòng và ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ các phòng, ban thuộc Sở. Các phòng, ban mới của Sở, gồm:

- Phòng Tổng hợp.

- Phòng Tổ chức hành chính.

- Phòng Chính sách - Tiền lương.

- Phòng Cứu trợ xã hội.

- Phòng Chính sách thương binh, liệt sĩ và bảo hiểm xã hội.

- Phòng Nguồn lao động và giới thiệu việc làm.

- Phòng Hợp tác Quốc tế về lao động.

- Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động.

- Ban Thanh tra chính sách.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngày 15-3-1990 Ủy ban nhân dân thành phố giao thêm nhiệm vụ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hộiquản lý Nhà nước đối với Ban tiếp nhận, quản lý chương trình nước sinh hoạt nông thôn theo Quyết định số 224-QĐ/UB. Ngày 12-8-1998, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TCCQ chuyển giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đào tạo dạy nghề từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thực hiện Thông tư số 01/LĐ-TB ngày 11-01-1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các phòng, ban của Sở được sắp xếp lại, Giám đốc Sở ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm:

+ Phòng Tổng hợp - Tổ chức hành chính.

+ Phòng Lao động - Việc làm.

+ Phòng Tiền lương - Tiền công.

+ Phòng Dạy nghề.

+ Thanh tra kỹ thuật an toàn -Bảo hộ lao động.

+ Thanh tra chính sách Lao động - Xã hội.

+ Phòng Thương binh, liệt sĩ và Người có công.

+ Phòng Bảo trợ xã hội.

+ Phòng Kế hoạch - Tài chính.

+ Ban Điều tra hậu quả chiến tranh.

+ Thường trực Trọng tài lao động.

- Ngày 16-7-1994, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 626/QĐ-TCCQ về việc thành lập Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố.

Ngoài các phòng, ban, đơn vị có chức năng quản lý Nhà nước nói trên, Sở còn có các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, các đơn vị phối hợp quản lý thực hiện các nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân thành phố giao.

II. THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CỦA NGÀNH THỜI KỲ 1988-2000

Trong 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều bộ luật, pháp lệnh, chương trình quan trọng: Luật Lao động, Pháp lệnh phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Chương trình xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh vách đất, Bảo hiểm y tế cho người nghèo…

Thành phố Hải Phòng là địa phương đầu tiên phát động phong trào Xóa đói, giảm nghèo Xóa nhà tranh vách đất… Các cuộc vận động này được toàn dân hưởng ứng.Các cấp, các ngành, doanh nghiệp, đoàn thể và nhân dân tích cực đóng góp, tạo khí thế rộng khắp, hiệu quả. Từ đó, phong trào được lan ra các địa phương toàn quốc.

1. Thực hiện chính sách người có công và xã hội:

Thời kỳ 1988 - 2000, công cuộc đổi mới, do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu quan trọng. Do vậy, Đảng và Nhà nước ta có điều kiện chăm lo tốt hơn tới những người có công với nước. Đây cũng là thời kỳ công tác thương binh, liệt sĩ và người có công tiếp tục được đổi mới, từng bước giải quyết cơ bản những yêu cầu bức thiết trong cuộc sống của các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công.

Nhà nước ban hành Pháp lệnh Phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (và Pháp lệnh sửa đổi). Bốn đối tượng có công được ghi nhận thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi: Người hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được hưởng phụ cấp thâm niên tiền khởi nghĩa; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lao động; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bị nhiễm chất độc hoá học.

Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công và các chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng, nhiều vấn đề tồn đọng, bất hợp lý do lịch sử để lại và vấn đề mới nảy sinh: Xác nhận liệt sĩ, thương binh; chính sách ưu đãi với thanh niên xung phong; người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở; vấn đề mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ… từng bước được giải quyết có hiệu quả. Sở đã tham mưu kịp thời với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nghị quyết, quyết định và kế hoạch triển khai chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công.

Tính đến ngày 25-11-1989, tổng số đối tượng chính sách do thành phố quản lý (hưu trí, mất sức, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ) là 103.012 người, tăng 5.014 người so với năm 1988; ngoài ra còn có 28.416 quân nhân phục viên. Thành phố đã tập trung giải quyết dứt điểm 561 trường hợp chưa được công nhận và chưa được hưởng chế độ trợ cấp. Do kinh phí thường chậm, thành phố đã vay ngân hàng trên 3 tỷ đồng để cơ bản bảo đảm trả lương và phụ cấp cho các đối tượng. Những năm 1989-1993, mỗi năm, thành phố trợ cấp 800 triệu đồng, riêng năm 1992 là 1 tỷ đồng, cho các đối tượng chính sách gặp khó khăn. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã, các ngành, đoàn thể, xí nghiệp… cũng phát động phong trào quần chúng chăm lo đời sống các đối tượng chính sách; xây dựng, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ (với số tiền 3,32 tỷ đồng)...

Thực hiện Pháp lệnh phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đợt đầu, năm 1995, toàn thành phố có 856 mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu cao quí này. Những mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.

Tính đến đầu năm 2000, thành phố Hải Phòng quản lý và chi trả trợ cấp cho 82.807 người có công với cách mạng, trong đó, có 856 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (118 mẹ còn sống được 71 đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời); 237 cán bộ lão thành cách mạng; 325 người hưởng trợ cấp tiền khởi nghĩa; 18.513 người hưởng tuất liệt sĩ; 14 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; 10.626 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 3.466 bệnh binh; 38 người có công giúp đỡ cách mạng; 486 người hưởng trợ cấp giáo dục, đào tạo hằng tháng; 48.369 người hưởng trợ cấp kháng chiến hằng tháng; ngoài ra thành phố đã chi trả một lần cho 26.356 người.

Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách tiếp tục đạt kết quả: Nâng cấp và tu sửa 2.409 nhà (đến năm 1993), xây mới 142 nhà (1989-1992)…Từ năm 1995, cuộc vận động “Đền ơn, đáp nghĩa” đối với những người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được toàn xã hội quan tâm. Từ năm 1995 đến năm 1999, toàn thành phố làm mới và sửa chữa 2.263 nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí là 13,678 tỷ đồng. Các cấp, các ngành, các đơn vị kinh tế đã tặng các gia đình chính sách 6.641 sổ tiết kiệm, với tổng kinh phí 1,665 tỷ đồng. Đời sống của các gia đình chính sách được nâng lên: Toàn thành phố có 37.934 hộ thương binh, gia đình liệt sĩ, trong đó có 1.022 hộ giầu, 11.245 hộ khá, 25.667 hộ trung bình, không có hộ chính sách thuộc diện nghèo đói. Tiêu biểu là các đơn vị quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Hải.

2. Giải quyết việc làm và bảo đảm quyền lợi của người lao động:

Khi chuyển sang cơ chế mới, thực trạng người lao động thiếu nhỡ việc làm diễn ra trầm trọng. Sở đã tham mưu cho thành phố triển khai nhiều chương trình giải quyết việc làm cho người lao động.

Sở đã tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố phương án bố trí lại lao động trên cơ sở sắp xếp lại sản xuất, đổi mới hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời, đề xuất cơ chế hỗ trợ người lao động dôi dư với thành phố và Bộ. Nhờ vậy, vừa góp phần thúc đẩy ổn định và vừa phát triển sản xuất, từng bước thực hiện cơ chế mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng quan liêu bao cấp trước đây, cải thiện đời sống của người lao động…

Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương có số người vượt biên trái phép ra nước ngoài rất lớn, thời gian này, hồi hương khá đông (Thủy Nguyên có 3.695 người, Đồ Sơn có gần 3.000 người). Nhiều người không còn nơi ở, không có việc làm; việc tái hòa nhập rất khó khăn. Với quan điểm nhân đạo, Sở đã tham mưu cho thành phố giúp họ tái hòa nhập; nhận hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và thành lập Trung tâm tiếp nhận và hướng nghiệp người hồi hương; xây dựng dự án đào tạo, bố trí việc làm, hỗ trợ người hồi hương… Ngày 04/4/1990, Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thành lập Trung tâm Đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, nhằm tổ chức tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, Cộng đồng kinh tế châu Âu, Tổ chức nhân đạo JIVC Nhật Bản… cho việc đào tạo và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Từ cuối năm 1993, đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày 23/6/1994, Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định đổi tên Trung tâm tiếp nhận và hướng nghiệp người hồi hương thành Trung tâm xúc tiến việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sản xuất của thành phố được mở rộng, đã thu hút trở lại và ổn định việc làm cho 27.702 lao động (71,3% số lao động dôi dư); giải quyết chế độ thôi việc, hưởng trợ cấp một lần cho 5.340 người; bố trí việc làm mới cho 15.000 người, bằng 75% tổng số lao động chưa có việc làm của thành phố.

Năm 1999, sau đợt khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1998), thành phố Hải Phòng có gần 1,7 triệu người. Thêm vào đó, số học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, công nhân kỹ thuật, bộ đội xuất ngũ… ngày càng nhiều nên số lao động cần phải giải quyết việc làm hằng năm từ 3 đến 3,2 vạn người. Tỷ lệ thất nghiệp những năm 1997-1999 khá cao: Năm 1998 là 7,9%, năm 1999 là 7,1% (tương đương là 21.000 người); đầu năm 2000 là 6,9% (Tỷ lệ thất nghiệp của cả nước năm 1999 là 7,4%; Hà Nội là 10,3%; thành phố Hồ Chí Minh là 7,04%; Quảng Ninh là 9,3%). Thành phố đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Hằng năm, Sở đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân thành phố đưa vào nội dung nghị quyết về các giải pháp chủ yếu: Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho sản xuất, tạo việc làm. Năm 1999, thành phố đã dành hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho sản xuất, tạo việc làm, trong đó, riêng Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã cho vay với 11 tỷ đồng, vốn huy động cho chương trình “Xóa đói giảm nghèo” là 41 tỷ đồng...

Công tác đào tạo nghề từng bước được sắp xếp lại, nhằm nâng cao chất lượng và chương trình dạy nghề. Hằng năm, các trường dạy nghề đã đào tạo từ 12 đến 15 ngàn học sinh và người lao động, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 25-27%. Tuy nhiên, chất lượng dạy nghề chưa theo kịp đòi hỏi của các doanh nghiệp và công nghệ mới.

3. Thực hiện bảo hiểm xã hội cho người lao động:

Khi lực lượng lao động ở các thành phần kinh tế phát triển, ngày 05/5/1990, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Công ty Bảo hiểm xã hội đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ngay từ đầu, Sở đã triển khai tích cực và có hiệu quả công tác bảo hiểm xã hội đối với người lao động ngoài quốc doanh, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất ở khu vực đầy tiềm năng này; tạo thuận lợi cho việc sắp xếp lại sản xuất khu vực doanh nghiệp nhà nước, phát triển thị trường lao động và bảo đảm an sinh cho người lao động.

Hệ thống chính sách, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội, được thay đổi.Cơ sở pháp lý để cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội là Hiến pháp năm 1992. Chính sách bảo hiểm xã hội được đổi mới, theo phương châm: tất cả các đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ tham gia đóng bảo hiểm xã hội và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Tháng 10-1995, Bảo hiểm xã hội tách khỏi Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trực thuộc Chính phủ. Tại thời điểm đó, đối với Hải Phòng, đồng chí Giám đốc Công ty Bảo hiểm xã hội lao động ngoài quốc doanh được bố trí làm Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố.

4. Thực hiện Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:

Năm 1991, khi thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trên địa bàn thành phố, số trẻ em từ 0 đến 16 tuổi chiếm 37% dân số thành phố.

Căn cứ đề nghị của Sở, ngày 22/2/1992, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng đã phối hợp với các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã điều tra số trẻ mồ côi không nơi nương tựa, từng bước tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng. Làng trẻ em SOS Hải Phòng chính thức đi vào hoạt động ngày 31-7-1996. Làng tiến hành đón nhận các cháu mồ côi cha mẹ, các cháu bị bỏ rơi từ sơ sinh đến 9, 10 tuổi từ các xã phường của thành phố và các tỉnh lân cận sau khi đã được xét duyệt các cháu được phân về các gia đình sống với mẹ SOS và anh chị em cùng cảnh ngộ, đến khi học hết trung học phổ thông. Khi đi học nghề, các cháu sẽ ra ở nhà trọ, ký túc xá để mẹ đón các em bé mới vào thay thế, nhưng vẫn được mẹ quản lý, dạy bảo đến khi có thể tự lập được.

Cùng hệ thống SOS Việt Nam, năm 2000, Trường Hermann Gmeiner được thành lập hòa nhập với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố, tổ chức dạy học phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 cho trẻ em thuộc Làng trẻ em SOS, đồng thời tiếp nhận thêm học sinh ngoài Làng trên địa bàn, qua đó tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của làng trẻ SOS.

5. Phòng, chống tệ nạn xã hội:

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, được thành phố quan tâm. Chương trình phòng, chống ma túy là chương trình liên ngành do Công an thành phố làm thường trực, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ tổ chức cai nghiện tập trung và tái hòa nhập cộng đồng, với phương châm phòng là chính, đồng thời đẩy mạnh các hình thức cai nghiện tập trung, cai nghiện tại cộng đồng. Năm 1999, có 409 người được cai nghiện tại trung tâm. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghiện vẫn cao.

Ngày 04/4/1994, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Trường giáo dục lao động Thanh Xuân. Trường có nhiệm vụ giáo dục, chữa bệnh, tổ chức lao động và dạy nghề cho số gái mại dâm; phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo điều kiện giải quyết việc làm cho số chị em đã qua quá trình giáo dục tại trường.

 

CHƯƠNG NĂM
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THAM MƯU, NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ XÃ HỘI (2000 - 2020)

  

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2000-2020

Căn cứ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng cũng được thay đổi để đáp ứng tình hình thực tế:

- Ngày 21/7/2006, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng tại Quyết định số 1633/2006/QĐ-UBND, quy định các phòng, đơn vị thuộc Sở gồm:

+ Văn phòng;

+ Thanh tra;

+ Phòng Lao động Việc làm;

+ Phòng Tiền lương -Tiền công;

+ Phòng Dạy nghề;

+ Phòng Chính sách thương binh liệt sĩ và người có công;

+ Phòng Bảo trợ Xã hội;

+ Phòng Kế toán - Tài chính;

+ Thường trực Trọng tài Lao động thành phố.

Ngoài các phòng, đơn vị thuộc Sở ở trên, đối với đơn vị quản lý Nhà nước có Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và 13 tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở.

- Ngày 22/4/2009, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 688/2009/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 1633/2006/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, quy định các phòng, đơn vị thuộc Sở gồm:

+ Văn phòng;

+ Thanh tra;

+ Phòng Kế hoạch - Tài chính;

+ Phòng Lao động Việc làm - Tiền lương và Bảo hiểm xã hội (Thường trực Trọng tài Lao động thành phố được quy định thuộc lĩnh vực lao động, tiền lương, tiền công);

+ Phòng An toàn lao động;

+ Phòng Dạy nghề;

+ Phòng Người có công;

+ Phòng Bảo trợ Xã hội;

+ Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới.

Ngoài các phòng, đơn vị thuộc Sở ở trên, đối với đơn vị quản lý Nhà nước có Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội là tổ chức quản lý Nhà nước trực thuộc Sở và có Trung tâm Tư vấn cai nghiện tại cộng đồng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục; cùng với 13 tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở.

- Ngày 22/11/2016, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 688/2009/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, quy định các phòng, đơn vị thuộc Sở gồm:

+ Văn phòng (bao gồm công tác pháp chế);

+ Thanh tra;

+ Phòng Kế hoạch - Tài chính;

+ Phòng Người có công;

+ Phòng Việc làm - An toàn lao động;

+ Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội;

+ Phòng Dạy nghề;

+ Phòng Bảo trợ Xã hội;

+ Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới.

Ngoài các phòng, đơn vị thuộc Sở ở trên, đối với đơn vị quản lý Nhà nước có Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội là cơ quan trực thuộc Sở và 12 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở.

- Ngày 19/3/2018, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng ban hành kèm theo Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố, quy định các phòng thuộc Sở bao gồm:

+ Văn phòng (bao gồm công tác pháp chế);

+ Thanh tra;

+ Phòng Kế hoạch - Tài chính;

+ Phòng Người có công;

+ Phòng Việc làm - An toàn lao động;

+ Phòng Lao động - Tiền lương và Bảo hiểm xã hội;

+ Phòng Giáo dục nghề nghiệp;

+ Phòng Bảo trợ Xã hội;

+ Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới.

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội được quy định là cơ quan trực thuộc Sở, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố.

- Ngoài các phòng, đơn vị có chức năng quản lý Nhà nước nói trên, Sở còn có các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, các đơn vị phối hợp quản lý thực hiện các nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân thành phố giao, gồm:

+ Làng Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng;

+ Trung tâm Điều dưỡng Người tâm thần;

+ Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội;

+ Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (ngày 06/11/2018, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3031/QĐ-UBND sáp nhập Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng vào Bệnh viện Phục hồi chức năng là đơn vị trực thuộc Sở Y tế);

+ Trung tâm Công tác xã hội;

+ Quỹ Bảo trợ trẻ em;

+ Trung tâm Điều dưỡng Người có công;

+ Cơ sở cai nghiện ma túy số 2;

+ Trường Lao động xã hội Thanh Xuân;

+ Trung tâm Tư vấn cai nghiện tại cộng đồng (ngày 07/10/2019, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 2402/QĐ-UBND sáp nhập Trung tâm Tư vấn cai nghiện tại cộng đồng vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 2);

+ Trung tâm Dịch vụ việc làm;

+ Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn Hải Phòng;

+ Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật và Công nghệ Hải Phòng (ngày 25/06/2020, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1747/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án giải thể Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật và Công nghệ Hải Phòng).

II. THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI (2001 - 2015)

Thời kỳ 2001-2015, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới trong toàn ngành, được tăng cường về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và đã tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công; bảo đảm quyền lợi của người lao động; đào tạo nghề; phòng chống tệ nạn xã hội, chăm sóc và giáo dục trẻ em…

1. Lĩnh vực lao động - việc làm:

- Giải quyết việc làm:

Đây là thời kỳ thành phố tập trung cao cho công tác giải quyết việc làm cho người lao động, bằng những giải pháp chủ yếu, cơ bản:

+ Khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là những doanh nghiệp thu hút nhiều lao động, mức đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh, coi trọng khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

+ Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và nâng cao sức cạnh tranh để mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài.

+ Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và trong nước.

+ Phát triển các ngành nghề, nhất là các nghề truyền thống, ngành nghề thu hút nhiều lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, để chuyển dịch cơ cấu lao động.

Quy mô cầu về lao động có xu hướng tăng do chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần và tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cao. Số người làm việc của thành phố tăng đều qua các năm, từ 805,03 nghìn người năm 2000 tăng lên 1.093,85 nghìn người năm 2013, chiếm 71,94% tổng số lao động xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên của thành phố. Cơ cấu lao động chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và giảm lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp qua các năm do quá trình đô thị hoá nhanh khu vực ngoại thành, đặc biệt là khu vực ven đô thị.

Lao động có việc làm trong lực lượng lao động cũng tăng dần qua các năm, đến năm 2013, số lao động có việc làm đạt 1.093,85 nghìn người, tăng 10,88% so với năm 2010, tăng 15,23% so với năm 2005 và tăng 35,88% so với năm 2000. Tỷ lệ lao động có việc làm trong lực lượng lao động cũng tăng dần qua các năm, năm 2000 tỷ lệ này là 67,61%; năm 2005 là 68,36%; đến năm 2010 là 66,92% và duy trì quanh 71% từ năm 2011 là 70,97%; năm 2012 là 70,42%; năm 2013 là 71,94%.

Trong thập kỷ đầu của thế kỷ mới, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của thành phố giảm từ 6,32% (năm 2000) xuống còn 4,8% (năm 2013). Đến năm 2013, cơ cấu lao động trong các ngành dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp: 41,61% - 29,56% - 28,83%. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành chế biến, gia công phản ánh vẫn đang thiếu khoảng 10% lao động.

Thời kỳ 2001-2014, lực lượng lao động của thành phố tăng hằng năm: Năm 2013, lực lượng lao động của thành phố đạt 1.118,69 nghìn người, tăng 3,96% so với năm 2010, tăng 15,23% so với năm 2005. Tỷ lệ lực lượng lao động so với tổng dân số tại thời điểm năm 2000 mới đạt mức 49,87%, đến năm 2005, tỷ lệ này đạt 54,74%, năm 2010 là 57,91%, năm 2011 là 57,93%; năm 2012 là 57,77%; năm 2013 là 58,20%.

Lực lượng lao động tăng là động lực phát triển kinh tế, còn tạo ra sức ép lớn về việc làm và các vấn đề xã hội khác cho thành phố. Số lao động được tạo việc làm cũng tăng đều. Năm 2000, là 32,5 nghìn lượt người; năm 2010 là 47,35 nghìn lượt người, tăng 45,69% so với năm 2000; năm 2015 là 55,5 nghìn lượt người, tăng 17,21% so với năm 2010 và tăng 70,77% so với năm 2000. Số lao động được tạo việc làm trong giai đoạn 2005-2015 là 527,83 nghìn lượt người, bình quân mỗi năm tạo được việc làm cho 52,35 nghìn lượt lao động. Tỉ lệ lao động qua đào tạo (đến hết năm 2015) đạt 75%, trong đó lao động qua đào tạo nghề 53%.

Tổng nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia việc làm là 136,357 tỷ đồng; giải ngân đạt 80 tỷ đồng (đạt kế hoạch), đã cho khoảng 2.700 dự án vay, trong đó, từ nguồn vốn thu hồi là 72,92 tỷ đồng và vốn bổ sung năm 2014 là 7,08 tỷ đồng; tạo được 4.000 việc làm mới, đạt 181,81% kế hoạch.

- Lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội và quản lý lao động nước ngoài:

Năm 2015, tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 24,89% tăng 0,59% so với năm 2011; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp 22,03% tăng 0,14% so với năm 2011. Hướng dẫn, kiểm tra thỏa ước lao động tập thể đối với 116 doanh nghiệp, bằng 118,37% năm 2013; hướng dẫn, thẩm định nội quy lao động đối với 112 doanh nghiệp, bằng 109,8% năm 2013. Cấp mới 370 giấy phép lao động cho người nước ngoài, bằng 66,43% năm 2013; cấp lại 1.200 giấy phép lao động cho người nước ngoài, bằng 87,91% năm 2013.

- Công tác đào tạo nghề:

Các kênh giao dịch trên thị trường lao động của thành phố ngày càng đa dạng, trong đó mạng lưới cơ sở dịch vụ việc làm đã phát triển với hai loại hình chính là Trung tâm giới thiệu việc làm nhà nước và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tư nhân. Ngoài ra, các trường, cơ sở đào tạo nghề cũng có chức năng giới thiệu việc làm. Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn thành phố còn 58 cơ sở dạy nghề, trong đó có 11 trường Cao đẳng, 10 trường Trung cấp, 10 Trung tâm dạy nghề, 14 Trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên và 13 cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề, giảm 04 đơn vị so với cùng kỳ năm 2013. Các đơn vị này đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hàng nghìn học sinh mỗi năm: Năm 2014, đào tạo 48.500 học sinh, đạt 98,98% kế hoạch và bằng năm 2013.

Đến năm 2015, thành phố Hải Phòng bước đầu trở thành trung tâm đào tạo nghề của khu vực Duyên hải Bắc bộ, với 58 cơ sở dạy nghề, quy mô đào tạo ổn định, đạt bình quân 50.000 học viên/năm ở cả ba cấp trình độ. Số học viên đến từ nhiều tỉnh và nước ngoài. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề có việc làm ngay khi ra trường đạt trên 85%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, năm 2015 đạt 75%. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực dạy nghề được tăng cường, nhất là khâu kiểm tra giám sát; Hướng dẫn, thẩm định hồ sơ đăng ký hoạt động dạy nghề, bổ sung hoạt động dạy nghề và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, bổ sung đăng ký hoạt động dạy nghề, bảo đảm theo đúng quy định. Các Hội thi Tay nghề thành phố và tham gia Hội thi Tay nghề toàn quốc, Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc, Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc... đoàn thành phố Hải Phòng luôn đoạt giải cao. Sở còn phối hợp tổ chức Hội thảo Tăng cường chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề trên địa bàn thành phố và giải quyết việc làm cho người lao động...

- Công tác An toàn lao động:

Hằng năm, Sở chỉ đạo và phối hợp với Liên đoàn Lao động, với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về An toàn - Vệ sinh lao động cho các đối tượng là chủ sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp. Thực hiện tư vấn và ghi nhận cải thiện điều kiện lao động cho các hộ sản xuất nông nghiệp đã tham gia lớp tập huấn theo chương trình WIND của Tổ chức ILO “Phát triển tình làng nghĩa xóm để cải thiện điều kiện lao động” tại một số huyện.

Hằng năm, Sở và các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động: Tổ chức thành công Tuần lễ quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ. Năm 2014, tổ chức các hoạt động kiểm tra tại 10 đơn vị có nguy cơ cao mất an toàn, vệ sinh lao động và kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ tại 32 đơn vị theo Công điện số 967/CĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Lĩnh vực Người có công:

Ngành đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố tập trung cao giải quyết xác nhận người có công với cách mạng: Tổ chức giám định bệnh tật cho 1.100 người tham gia kháng chiến nghi nhiễm chất độc hóa học; giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng; tổ chức các đợt thẩm định hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng; phối hợp với Hội cựu Thanh niên xung phong thành phố phê duyệt hàng nghìn hồ sơ của những người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế; áp dụng kịp thời chế độ chính sách mới, điều chỉnh trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 41% - 60%; hủy bỏ chế độ phụ cấp hằng tháng và trợ cấp người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Giải quyết các chế độ ưu đãi dành cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hoặc thân nhân của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Quyết định trợ cấp một lần đối với người là thân nhân người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến và người có công được tặng thưởng huân, huy chương; trợ cấp hàng tháng đối với người có công và vợ liệt sỹ tái giá; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ. Chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sỹ, những người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; giải quyết chế độ mai táng phí; giải quyết cấp lại hàng nghìn Bằng Tổ quốc ghi công; cấp mới và cấp lại giấy chứng nhận người có công, sổ ưu đãi giáo dục đào tạo, sổ theo dõi trang cấp dụng cụ chỉnh hình…

Thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho hàng vạn lượt đối tượng người có công với số tiền hàng trăm tỷ đồng, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Mua thẻ Bảo hiểm y tế cho hàng chục nghìn người (năm 2014 là 81.000) người có công và thân nhân người có công; trợ cấp ưu đãi giáo dục đào tạo đối với người có công và con đẻ của họ (Năm học 2012-2013 đối với 2.300 người, với kinh phí là 9,82 tỷ đồng; thực hiện điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho 9.519 người có công, với kinh phí 12,64 tỷ đồng; Duyệt trang cấp dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn cho 1.150 người).

Hằng năm, nhân các dịp lễ, tết, ngành đều tổ chức chu đáo và tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng; tổ chức các hoạt động thiết thực nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ; vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng quà; xây mới, sửa chữa nghĩa trang, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ và mộ liệt sĩ...

Những năm 2013-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản về các chính sách mới: Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 4 năm 2013, về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 10 năm 2013, về trợ cấp một lần đối với người được cử làm chuyên gia sang giúp bạn Lào và Campuchia. Sở đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ra Quyết định số 2420/QĐ-UBND, ngày 10-12- 2013, nhằm triển khai thực hiện các văn bản trên của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 08/4/2014, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 2253/KH-UBND về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015). Ngành đã xây dựng kế hoạch triển khai và năm 2015 đã thực hiện cơ bản giai đoạn 1.

Thành phố cơ bản hoàn thành việc giải quyết chế độ cho người có công và thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi cho gần 35.000 người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn tiếp tục được đẩy mạnh.

3. Công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội:

Công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội được cả hệ thống chính trị và nhân dân chăm lo.Đáng chú ý là hoạt động này được xã hội hóa cao. Các hình thức ủng hộ khá phong phú và hiệu quả.

Công tác tuyên truyền về giảm nghèo; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; tổ chức giám sát đánh giá chương trình giảm nghèo hằng năm trên địa bàn thành phố. Những năm 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 1%, từ mức 6,55% năm 2010 xuống còn 1,53% năm 2015 (theo chuẩn mới quốc gia). Đời sống một bộ phận dân cư nghèo đã được nâng lên.Người nghèo được tiếp cận tốt hơn với các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản.Các chế độ chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt, được chăm sóc ngày càng tốt hơn.

Hằng năm, ngành đã tiếp nhận các trường hợp vào các Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội; tập trung người lang thang bàn giao cho Trường Lao động xã hội Thanh Xuân tiếp nhận, nuôi dưỡng và giải quyết theo quy định. Nhân dịp ngày lễ, tết, thành phố, quận, huyện, xã, phường hỗ trợ tặng quà, trợ giúp khó khăn cho đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi…

4. Công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới:

- Công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em:

Tính đến năm 2015, trên địa bàn thành phố có 200 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã/phường phù hợp với trẻ em, đạt 101,52% kế hoạch và bằng 107,53% năm 2013. Tiếp tục duy trì và tăng cường các kết quả bảo vệ, chăm sóc trẻ em, 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, chăm sóc; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn 1,6% trên tổng số trẻ em; 70% gia đình, nhà trường và cộng đồng được tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi có nhu cầu được tiếp cận với các dịch vụ y tế không phải trả tiền.

Công tác huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh, thực hiện tốt các mục tiêu hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền mặt, hiện vật và hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em, với nhiều tỷ đồng; tổ chức thăm và tặng quà trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, 1-6, Tết Trung thu; tổ chức tốt hàng trăm điểm hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em; tổ chức các Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em; xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 55a/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn thành phố; Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 570/2014/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 và Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Rà soát số liệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Triển khai Mô hình chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và trẻ em khuyết tật tại huyện Vĩnh Bảo.

- Công tác Bình đẳng giới:

Hằng năm, ngành thường xuyên tổ chức các hoạt động về Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của Phụ nữ; tổ chức hội thảo, tập huấn trao đổi kỹ năng tư vấn, tham vấn, điều hành hoạt động cho các thành viên Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm các Mô hình về Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ. Tổ chức tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6...

5. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội:

Những năm 2001-2015, thành phố tập trung xây dựng 2 Trung tâm giáo dục, lao động xã hội, để tổ chức quản lý, chữa bệnh, cai nghiện phục hồi tập trung cho người nghiện ma túy. Cùng đó, việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, lập cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone... đạt hiệu quả. Ngành đã phối hợp với Tổ chức Sức khỏe - Gia đình Quốc tế (FHI) tổ chức đào tạo về quản lý trường hợp nghiện ma túy cho những người làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội các quận, huyện, xã, phường, thị trấn; tổ chức hội thảo quản lý trường hợp khó cho cán bộ quản lý, thực hiện Dự án “Cải thiện chính sách và nâng cao chất lượng dịch vụ tại cộng đồng cho người sử dụng ma túy tại Hải Phòng”.

Hoạt động truyền thông về phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; vận động cộng đồng và cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản... được tổ chức thường xuyên, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố.

III. ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG, CHĂM LO NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI (2016-2020)

Những năm 2016-2020, thành phố Hải Phòng có những phát triển đột phá về kinh tế-xã hội, Kinh tế tăng trưởng cao và liên tục, quy mô được mở rộng, cơ cấu tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 14,94%/năm (riêng năm 2019 tăng 16,5%), gấp 1,42 lần chỉ tiêu (10,5%/năm), gấp 2,1 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (6,80%/năm). Quy mô GRDP được mở rộng và (theo giá hiện hành) năm 2019 đạt 179.846 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2020 (năm 2015 là 131.314 tỷ đồng). Tỷ trọng GRDP thành phố năm 2018 (theo giá so sánh) chiếm 12,4% trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và chiếm 4,2% trong cả nước. Mức đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) ngày một lớn, vượt mục tiêu đề ra (40%). Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên, bình quân hệ số ICOR ở mức 3,87, thấp hơn giai đoạn 2011-2015 tương ứng ở mức 5,29 (hệ số ICOR giai đoạn 2016-2018 là 3,53 thấp hơn mức 6,17 của cả nước). Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, tăng hơn 2 lần so với năm 2015 và gấp 2,08 lần bình quân chung của cả nước[7].

Những năm này, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết định mang tính đột phá về các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế đã được chuyển hóa thành những chính sách, cơ chế để thúc đây nhanh việc cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.Trong thành công chung đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòngtiếp tục đổi mới, tăng cường hiệu quả công tác tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công; bảo đảm quyền lợi của người lao động; tạo việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thành phố và đất nước. Tất cả những nhiệm vụ được giao trong nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, các chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều đã được Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt kết quả cao, nhất là về triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, về thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid -19. 

1. Lĩnh vực lao động - việc làm:

Thành công nổi bật trong những năm 2016-2020, thành phố đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước (Vingroup, Sungroup, Geleximco, FLC) đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu. Cùng đó, số doanh nghiệp thành lập mới tăng, bình quân mỗi năm có 2.945 doanh nghiệp mới, với số vốn đăng ký bình quân là 8,73 tỷ đồng/doanh nghiệp. Hải Phòng liên tụcnằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt trên 9.6 tỷ USD… Đó là cơ sở quan trọng trong giải quyết việc làm, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động…

- Về lao động: Quy mô và cơ cấu về lao động có xu hướng chuyển dịch tích cực, do chính sách phát triển đa dạng hóa và tốc độ tăng trưởng cao của kinh tế thành phố. Số lao động thời kỳ này tăng nhanh hằng năm do các khu kinh tế, khu công nghiệp mở rộng, thu hút đông đảo lực lượng trẻ từ các huyện, quận và tỉnh bạn. Khác với thời kỳ 2010 - 2015, cơ cấu lao động giai đoạn này chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, với những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, thông minh và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Thị trường lao động hoạt động khá sôi nổi, được các doanh nghiệp và người lao động quan tâm. Hằng năm, ngành đều tiến hành điều tra, rà soát, cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu.Năm 2016, Sàn giao dịch việc làm thành phố tổ chức 37 phiên, trong đó, thực hiện 04 phiên lưu động, với 1.493 lượt doanh nghiệp tham gia, bằng 118,49% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số lao động đến sàn được tư vấn là 76.349 lưọt người, đạt 98,29% so với cùng kỳ năm 2015. Số lao động đăng ký tìm việc làm và được giới thiệu việc làm là 15.968 lượt người, bằng 106,45 % so kế hoạch năm. Số lao động trúng tuyển là 4.897 lượt người, bằng 97,94% kế hoạch năm. Năm 2017, sàn giao dịch việc làm thành phố tổ chức 36 phiên, trong đó, có 03 phiên giao dịch vệ tinh lưu động. Tổng nhu cầu tuyển dụng là 63.221 lao động, trong đó, lao động nữ chiếm 27%.Tổng số lao động đến sàn và được tư vấn là 81.185 lượt người, gấp trên 1,28 lần nhu cầu tuyển dụng. Số lao động được giới thiệu việc làm đạt 18,60% số lao động đến sàn, so với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đáp ứng được 23,88%; số lao động đạt sơ tuyển đạt 30,30% số được giới thiệu việc làm. Năm 2019, sàn tổ chức được 43 phiên giao dịch việc làm, bằng 110,26% so năm 2018, với sự tham gia tuyển dụng của 1.319 lượt doanh nghiệp có nhu cầu, đã tuyển dụng 81.212 lao động (bằng 63,06% so năm 2018), trong đó, lao động nữ chiếm 46,24%.Sáu tháng đầu năm 2020, tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm (01 phiên vệ tinh lưu động tại huyện An Dương), có 221 lượt doanh nghiệp tham gia, với nhu cầu tuyển dụng là 5.262 lượt lao động; Cung lao động tại Sàn được 11.721 lượt người, gấp gần 2,23 lần nhu cầu tuyển dụng.

Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn cơ bản ổn định, đình công giảm, hệ thống thông tin điện tử về thị trường lao động của thành phố vẫn tiếp tục phát huy vai trò kết nối cung - cầu lao động trên thị trường lao động thành phố. Công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật lao động được tăng cường, tập trung vào việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, xây dựng quan hệ lao động. Sáu tháng đầu năm 2020, ngành đã hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể và ra thông báo thực hiện nội quy lao động được 27 doanh nghiệp; hướng dẫn, thẩm định và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 20 doanh nghiệp. Trên địa bàn thành phố xảy ra 01 vụ đình công, với 1.179 lao động tham gia (cùng kỳ năm 2019 không xảy ra vụ nào), không xảy ra vụ tai nạn người chết (cùng kỳ xảy ra 01 vụ tai nạn làm 01 người chết)…

- Công tác an toàn lao động: Ngành cùng các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai Lễ phát động Tuần lễ quốc gia về An toàn -Vệ sinh lao động, phòng chông cháy nổ lần thứ 18 - năm 2016, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động - năm 2018; hằng năm, tiến hành kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động, kịp thời phát hiện và hướng dẫn những sai phạm, đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục hoặc chuyển hồ sơ để Thanh tra lao động xã hội xử lý vi phạm hành chính.Sở phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế kiểm tra việc thục hiện các quv định của pháp luật đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tồn trữ, kinh doanh khí hóa lỏng LPG, xác nhận khai báo sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…

- Công tác lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội: Ngành thường xuyên thẩm định việc thực hiện nội quy lao động, tổ chức tập huấn; kiểm tra về công tác lao đông, tiền lương, bảo hiểm xã hội; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quan hệ lao động… Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã thực hiện quy định mức tiền lương tối thiểu vùng đối với người lao động theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Kết quả khảo sát, điều tra tình hình lương, thưởng tại 100 doanh nghiệp, tiền lương của người lao động: Năm 2017 tăng so với năm 2016, bình quân chung 5.669.529 đồng (bằng107,29% so với năm 2016); năm 2019, tiền lương bình quân chung là 7.302.206 đồng/tháng (bằng 112% so với cùng kỳ năm 2018). Các chính sách lao động, tiền lương được triển khai đồng bộ. Tranh chấp lao động được hỗ trợ giải quyết kịp thời; tình trạng đình công, nghỉ việc tập thể giảm nhiều. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp triển khai có hiệu quả, thu hút đối tượng tham gia tăng nhanh, đến năm 2020 tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH đạt 40%, tham gia BHTN đạt 36,1%.

Ngành tập trung triển khai các Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động số 59-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tăng hằng năm: Năm 2017 là 350.749 người (bắt buộc là 341.230 người, tự nguyện là 9.519 người), chiếm 30,5%,đạt 103,6% kế hoạch, bằng 106% so với năm 2016. Số lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là 327.800 người, tăng 6,29% so với năm 2016 (308.405 người), chiếm 28,5%. Năm 2019, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 438.499 người (bắt buộc 424.069 người, tự nguyện 14.430), chiếm 38% (vượt 3% so kế hoạch, tăng 3,9% so với năm 2018). Số lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là 380.805 người, bằng 33%, đạt 100% kế hoạch, tăng 2% so với năm 2018. Ba tháng đầu năm 2020, số đăng kí bảo hiểm thất nghiệp là 2.453 người (tăng 7,78% so với cùng kỳ năm 2019), đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp 2.341 người (giảm 4,25% so với cùng kỳ năm 2019), với kinh phí hơn 51 tỷ đồng (tăng 22,15 % so với cùng kỳ năm 2019). Qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2.453 lao động (tăng 7,78% so với cùng kỳ năm 2019). Đến giữa năm 2020, tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 40% và bảo hiểm thất nghiệp đạt 36,1%. Số người đăng kí bảo hiểm thất nghiệp là 11.160, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2019, đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp 9.430 người (tăng 17,14% so với cùng kỳ năm 2019), với kinh phí hơn 176 tỷ đồng (tăng 33,17 % so với cùng kỳ năm 2019). Qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 9.000 lao động (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019). Tháng 6-2020, Sở đã tiếp nhận và trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 cho 3.215 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

- Quản lý lao động nước ngoài: Năm 2018, cấp mới 900, câp lại 700 giấy phép lao động lao động nước ngoài làm việc tại thành phố (tăng 3,23% so với năm 2017).Năm 2019, trên địa bàn thành phố có 8.244 lao động là người nước ngoài làm việc, trong đó, cấp mới 3.240 giấy phép lao động (Sở Lao động - Thương binh và xã hội cấp 1.340, Ban Quản lý Khu kinh tế cấp 1.800); cấp lại 1.897 giấy phép lao động (Sở Lao động - Thương binh và xã hội cấp 1.097, Ban Quản lý Khu kinh tế cấp 800) và xác nhận 325 trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Sáu tháng đầu năm 2020 cấp mới 50 giấy phép lao động, cấp lại 47 giấy phép lao động, miễn cấp 07 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Công tác giáo dục nghề nghiệp được chuyển hướng tích cực sang đào tạo nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng. Đến giữa năm 2020, trên địa bàn thành phố có 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 16 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 12 trung tâm Gíao dục nghề nghiệp; 14 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các quận, huyện và 11 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó, 21 trường cao đẳng, trung cấp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt 76 lượt nghề trọng điểm (gồm 28 lượt nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, 16 lượt nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và 32 lượt nghề trọng điểm cấp độ quốc gia); Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy sản là trường đặc thù đào tạo nghề phục vụ kinh tế biển. Trên địa bàn thành phố có 57 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, gồm: 16 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 12 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, 14 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các quận, huyện và 11 cơ sở hoạt động Giáo dục nghề nghiệp; trong đó, 21 trường cao đẳng, trung cấp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt 76 lượt nghề trọng điểm (gồm: 28 lượt nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, 16 lượt nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và 32 lượt nghề trọng điểm cấp độ quốc gia); Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy sản là trường đặc thù đào tạo nghề phục vụ kinh tế biển.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước được phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuẩn hóa các điều kiện phục vụ đào tạo, chương trình đào tạo, chủ động phối hợp và yêu cầu về kỹ năng mềm của từng doanh nghiệp, giảm lý thuyết và tăng ứng dụng thực hành chiếm từ 60- 70%; triển khai đào tạo một số chương trình đào tạo nghề trọng điểm được tiếp nhận chuyển giao từ nước ngoài; chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, thay đổi phương thức tuyển sinh, vận dụng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định, ngoài ra còn có cơ chế hỗ trợ riêng như miễn giảm học phí, cấp học bổng, bắt tay với doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra, cam kết hoàn tiền nếu không có việc làm…để thu hút học viên. Các doanh nghiệp trực tiếp tham gia quá trình đào tạo như mô hình phối hợp giữa Trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng và Khu Công nghiệp VISIP, Trường Giao thông vận tải Trung ương II với Tổng công ty đóng tàu Hồng Hà, Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng với Khách sạn 5 sao M’Gallery thuộc tập đoàn Accor...

Đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dần được chuẩn hóa theo yêu cầu, có khoảng hơn 2.000 nhà giáo và hơn 400 cán bộ quản lý; trong đó có 512 nhà giáo được giao nhiệm vụ giảng dạy các nghề trọng điểm. Bằng nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, hầu hết số nhà giáo giảng dạy nghề trọng điểm như May Công nghiệp, Điện Công nghiệp, Hàn, Cắt gọt Kim loại, Máy tàu thủy, Chế biến và bảo quản thủy sản; Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành...được đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, nâng cao nghiệp vụ, tiếng Anh tại Hàn Quốc, Nhật, Đức, Úc và Maylaysia...Những năm 2016-2020, thành phố đã hỗ trợ kính phí đào tạo chuẩn hóa nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành nghề cho 105 nhà giáo. Đối với các Nhà giáo giảng dạy các nghề khác, đều dần được đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa theo quy định để đáp ứng yêu cầu chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Chất lượng đào tạo có những chuyển biến tích cực, kỹ năng nghề của học sinh tốt nghiệp được nâng lên; được các doanh nghiệp đánh giá cao, tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp với tỷ lệ đạt trên 85%, từ đó tạo uy tín, thu hút doanh nghiệp bước đầu chủ động tham gia với hoạt động đào tạo nghề nghiệp, chủ động đặt hàng, để tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người học. Do vậy, năm 2016, các cơ sở dạy nghề và có dạy nghềtuyển được 48.500 học sinh, sinh viên, trong đó, cao đẳng nghề là 5.500 sinh viên (100% kế hoạch), bằng 93% so năm 2015, trung cấp nghề là 2.500 học sinh (100% kế hoạch). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, bằng 100% kế hoạch, trong đó, qua đào tạo là 54% (100% kế hoạch). Số qua đào tạo có chứng chỉ từ 3 tháng trở lên đạt 30% (bằng 100% kế hoạch).Thẩm định hồ sơ và ký hợp đồng đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn với 16 đơn vị. Tính đến tháng 6 năm 2020, tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố là 68 đơn vị (gồm 16 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các quận, huyện) và 11 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tuyển sinh đào tạo 24.278 học sinh, sinh viên, học viên đạt 47% kế hoạch năm và bằng 125% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83,7%, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 100% kế hoạch Quý II năm 2020. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ từ 3 tháng trở lên đạt 34,5% tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 100% kế hoạch.

- Giải quyết việc làm:

Những năm 2016 đến tháng 5/2020, toàn thành phố đã giải quyết việc làm 273.457 lượt lao động, vượt 5,17% chỉ tiêu nghị quyết (260.000 lượt lao động) tăng 7,22% so thời kỳ 2010-2015 (255.035 lượt). Cụ thể: Năm 2017, có 54.300 lượt lao động được giải quyết việc làm, đạt 102,45% kế hoạch năm, trong đó, việc làm trong nước 52.400 lượt người, vượt 1,35% kế hoạch (công nghiệp và xây dựng là 19.600 lượt lao động, vượt 3,95% kế hoạch; nông, lâm, ngư nghiệp là 13.200 lượt lao động, bằng 98,21% kế hoạch; dịch vụ là 19.600 lượt lao động, vượt 1,0% kế hoạch năm; xuất khẩu lao động là 1.900 người, vượt 46,15% kế hoạch. Năm2019, có 54.900 lượt lao động được giải quyết việc làm, bằng 100,18% kế hoạch, trong đó, giải quyết việc làm trong nước 53.550 lượt lao động, xuất khẩu lao động là 1.350 người, bằng 103,85% kế hoạch. Qúy I-2020, giải quyết việc làm cho khoảng 12.908 lượt lao động, bằng 23,3% kế hoạch và 94,88% so với cùng kỳ năm 2019. Số lao động được giải quyết việc làm giảm so với cùng kỳ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, riêng giải quyết việc làm cho người lao động trong nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,11%; xuất khẩu lao động giảm, bằng 85,11% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2016 là 4%, năm 2017 là 3,98%, năm 2018 là 3,96%, năm 2019 là 3,95% và năm 2020 là 3,86%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 3,86% đạt mục tiêu nghị quyết (dưới 4%); Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn duy trì 85%, đạt yêu cầu kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2020, giải quyết được 26.500 lượt lao động, bằng 47,83% kế hoạch năm và bằng 94,31% so với cùng kỳ năm 2019 (Số lao động giải quyết việc làm giảm so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới xuất khẩu lao động giảm 49,3% so với cùng kỳ năm 2019 và lao động được giải quyết việc làm trong ngành dịch vụ giảm 14,73% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, lao động được giải quyết việc làm trong ngành công nghiệp và xây dựng tăng nhẹ 0,95%, trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2019).

2. Công tác Người có công:

Hải Phòng là địa phương đi đầu cả nước trong tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Hằng năm, thành phố trích ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo luôn cao hơn mức bình quân chung của các địa phương bạn 1-1,5 lần. Đời sống của người có công và gia đình người có công được cải thiện rõ rệt, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố và tập trung thực hiện: Giải quyết chế độ cho 75.913 lượt người (2016-2019), với kinh phí 63,202 tỷ đồng; tổ chức giám định bệnh tật cho hàng nghìn lượt người tham gia kháng chiến nghi nhiễm chất độc hóa học, thương tật cho thương binh; thẩm định hồ sơ đề nghị xét liệt sĩ và phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (201 mẹ). Đặc biệt, nhân 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), thành phố đề nghị và được Chính phủ công nhận 11 liệt sỹ thời kỳ chống Pháp của quận Đồ Sơn, giải quyết dứt điểm tồn đọng và kiến nghị của địa phương kéo dài trên nửa thế kỷ.

 Ngành phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng quy định tại Pháp lệnh Người có công. Ngoài quy định của Nhà nước, thành phố còn phấn đấu 100% hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở đều được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp. Tính đến tháng 12-2019, thành phố đã hỗ trợ 12.374 hộ gia đình người có công, trong đó, xây mới 5.763, sửa chữa 6.611 nhà ở, với kinh phí 297,089 tỷ đồng (2016-2019) theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ 5.221 hộ gia đình có công, với kinh phí kinh phí 164,68 tỷ đồng, trình phê duyệt hỗ trợ tiếp 3.174 hộ gia đình người có công (theo Nghị quyết số 32/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố) phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở đều được hỗ trợ xây mới hoặc nâng cấp sửa chữa.

 Hằng năm, ngành tham mưu cho thành phố tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối với thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng nhân dịp các ngày Lễ (27-7 và 2-9), Tết Nguyên đán, với mức năm sau cao hơn năm trước, đứng đầu cả nước (từ 200 nghìn đồng năm 2014 và tăng dần qua các năm là 1 triệu, 2,5 triệu, 3,5 triệu và Tết năm 2020 là 4 triệu đồng): Năm 2016 tặng quà với 146,12 tỷ đồng bằng 158,21% so với năm 2015, năm 2017 là 243,089 tỷ đồng, năm 2018 là 328,565 tỷ; Tết Canh Tý năm 2020, với tổng số tiền 213,13 tỷ đồng (tăng 14,36% so với Tết 2019 là 186,472 tỷ đồng) trong đó, quà thành phố 187,85 tỷ đồng, tăng 12% so với Tết Nguyên đán 2019 là 167,067 tỷ đồng); quà Chủ tịch nước với tổng kinh phí 9,585 tỷ đồng (bằng 98,79% so năm 2019) do đối tượng giảm, mức quà bằng Tết 2019; quà từ ngân sách các địa phương: 11,922 tỷ đồng (bằng 155,60% so với Tết năm 2019 là 7,662 tỷ đồng); từ nguồn xã hội hóa: 3,769 tỷ đồng (bằng 129,25% so với Tết 2019 là 2,916 tỷ đồng).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở thẩm định lại danh sách người có công 04 đợt để triển khai hỗ trợ (danh sách được phê duyệt tại Quyết định số 862/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố) theo đề nghị của Sở Xây dựng tại các văn bản: đợt 1 theo Công văn 243/SXD-QLN ngày 17/01/2020, đợt 2 theo Công văn số 557/SXD-QLN ngày 14/02/2020, đợt 3 theo Công văn số 851/SXD-QLN ngày 03/3/2020, đợt 4 theo Công văn số 2140/SXD-QLN ngày 11/5/2020 và thẩm định danh sách đợt 5 theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 1064/SXD-QLN trình thành phố xem xét phê duyệt đối với trên 1186 trường hợp. Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho trên 30 ngàn đối tượng người có công và thân nhân. Mua thẻ bảo hiểm y tế bằng nguồn ngân sách Trung ương và thành phố cho 97.550 người có công và thân nhân.

3. Công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội:

Những năm 2016-2020, thành phố có nhiều chủ trương, cơ chế cụ thể, được cả hệ thống chính trị và nhân dân chăm lo, công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

- Công tác giảm nghèo:

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh, hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo. Các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo triển khai kịp thời, các dịch vụ xã hội cơ bản giúp người nghèo từng bước bù đắp các thiếu hụt về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin,..hỗ trợ người nghèo ổn định cuộc sống, làm điểm tựa vươn lên thoát nghèo. Các mô hình giảm nghèo được triển khai ở 14/15 quận huyện cùng với các hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát đánh giá chương trình; hoạt động điều tra rà soát hộ nghèo. Năm 2017 tổ chức được 100 mô hình giảm nghèo, năm 2018 tổ chức 104 mô hình giảm nghèo và năm 2019 tổ chức được 76 mô hình giảm nghèo.

Thành phố triển khai thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ người nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất kinh doanh, cải thiện nhà ở, với số dư mỗi năm hàng trăm tỷ đồng: Năm 2017, hỗ trợ 18.750 hộ nghèo vay, dư nợ 445,8 tỷ đồng, bình quân 23,78 triệu đồng/hộ, 22.853 hộ cận nghèo dư nợ 650,5 tỷ đồng, bình quân 28,46 triệu đồng; năm 2018,hỗ trợ 1.851 hộ với sô tiền 60,157 tỷ đồng, trong đó, 11.905 hộ nghèo vay 336,175 tỷ đồng, bình quân 28 triệu đồng/hộ, 21.315 hộ cận nghèo vay 669,4 tỷ đồng, bình quân 31 triệu đồng/hộ, 14.808 hộ mới thoát nghèo vay 530,382 tỷ đồng, bình quân 36 triệu đồng/hộ; năm 2019,có 8.492 hộ nghèo vay 275.245 triệu đồng, bình quân 32,4 triệu đồng/hộ, 22.131 hộ cận nghèo vay 780.661 triệu đồng, bình quân 35,2 triệu đồng/hộ, 15.955 hộ mới thoát nghèo vay 581.763 triệu đồng, bình quân 36,4 triệu đồng/hộ. Học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học tập, được miễn, giảm học phí (tổng dư nợ vốn vay học sinh, sinh viên trên 118, 6 tỷ đồng, với 4.653 học sinh, sinh viên) và hộ nghèo (4.348 hộ) được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt, với tổng kinh phí là 665,2 triệu đồng …

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm liên tục qua các năm (bình quân 0,73% năm), từ 3,86% nắm 2015 xuống còn 0,22% năm 2020: Năm 2016 là 2,86%, năm 2017 là 2,11%, năm 2018 là 1,41%, năm 2019, là 0,72% tương ứng với 4.348 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,14% tương ứng với 12.971 hộ.Giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm từ 3,86% còn 0,72%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến 31/5/2020, tổng dư nợ vốn vay học sinh sinh viên đạt 114.485 triệu đồng với 4.409 học sinh sinh viên, bình quân mỗi học sinh, sinh viên là 25,9 triệu đồng; dư nợ vốn vay hộ nghèo đạt 248.379 triệu đồng với 7.288 hộ nghèo được vay vốn, bình quân mỗi hộ được vay 34 triệu đồng; dư nợ vốn vay hộ cận nghèo đạt 816.081 triệu đồng với 22.364 hộ cận nghèo được vay vốn, bình quân mỗi hộ được vay 36,4 triệu đồng; dư nợ vốn vay hộ mới thoát nghèo đạt 609.040 triệu đồng với 16.390 hộ cận nghèo được vay vốn, bình quân mỗi hộ được vay 37,1 triệu đồng.

- Công tác Bảo trợ xã hội:

Các chế độ chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội được thành phố thực hiện và chăm sóc ngày càng tốt hơn.Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động tham mưu, đề xuất thành phố ban hành nhiều chủ trương và giải pháp tăng cường trong thực hiện chính sách đối với các đối tượng xã hội. Riêng năm 2019, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua 2 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 53/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố về nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025.

Nhân dịp ngày lễ, tết, hằng năm, thành phố, quận, huyện, xã, phường đều tiến hành hỗ trợ tặng quà, trợ giúp khó khăn cho hàng chục nghìn đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng: Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 cho 38.369 lượt đối tượng, bao gồm các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí trên 64,87 tỷ đồng, bằng 113,8% so với Tết Bính Thân 2016, trong đó, thành phố 22,7 tỷ đồng; các quận, huyện 10,47 tỷ đồng; xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ gần 31,7 tỷ đồng. Chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi tăng từ 1,5 - 2 lần so với các năm trước, tổng kinh phí ngân sách nhà nước là 8,1 tỷ đồng.Tết Canh Tý năm 2020, thành phố thăm tặng quà cho người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí là 60.573 triệu đồng (bằng 130,17% so với Tết Nguyên đán năm 2019 là 46.531,8 triệu đồng); trong đó, ngân sách thành phố là 24.007 triệu đồng (bằng 103,49% so với năm 2019 là 23.196 triệu đồng); quà từ ngân sách các địa phương là 15.909 triệu đồng (bằng 260,6% so với năm 2019 là 6.102,6 triệu đồng), từ nguồn xã hội hóa là 20.657 triệu đồng (bằng 125,09% so với năm 2019 là 16.513 triệu đồng).

Thực hiện Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo năm 2020 (đợt 1) đã thẩm định 816 hộ nghèo, đề xuất thành phố bố trí 21 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện; thực hiện Nghị quyết số 53/2019/NQ-HĐND đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ 70 tỷ đồng cho các quận, huyện và các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số chính sách khác cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

Ngành đã hướng dẫn, đôn đốc cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng được ngân sách đóng Bảo hiểm y tế: Năm 2017, gồm 97.117 người có công và thân nhân; 105.505 người hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; 212.403 trẻ em dưới 6 tuổi; 21.601 người dân huyện đảo; 23.240 cựu chiến binh, thân nhân người tham gia lực lượng vũ trang… Năm 2019, ngành phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện cấp 400.815 thẻ, với kinh phí gần 12 tỷ đồng cho các đối tượng được ngân sách đóng; 443.438 thẻ, với kinh phí 5,78 tỷ đồng cho các đối tượng được ngân sách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho các đối tượng. Qúy I-2020, các quận, huyện cấp 85.162 thẻ (bằng 82,4% so với cùng kỳ năm trước), với số tiền là trên 59,87 tỷ đồng (bằng 78,7% so với cùng kỳ năm trước) cho đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ 96.395 thẻ cho người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (bằng 104,7% so với cùng kỳ năm trước).

Hằng năm, Sở đã tiếp nhận các trường hợp đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ xã hội, tập trung người lang thang bàn giao cho Trường Lao động xã hội Thanh Xuân nuôi dưỡng và giải quyết theo quy định. Năm 2017, các đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 700 người (năm 2016 là 694 người) và 945 lượt người lang thang; năm 2019, đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 760 người, tập trung 580 lượt người lang thang, gỉảm 198 lượt người, tương ứng giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ sở đã tiếp nhận 22 đối tượng đưa vào điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng, đưa tổng số lên 728 người, bằng 99,45% so với cùng kỳ năm 2019 (732 người); tập trung 162 lượt người lang thang, giảm 194 lượt người (giảm 54,49% so với cùng kỳ năm trước 356 lượt người). Tình trạng người lang thang trên địa bàn thành phố cơ bản được giải quyết.

4. Công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới:

Những năm 2016-2020, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được thành phốtriển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, sát tình hình thực tế, đạt kết quả rõ nét.

- Công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Luật Trẻ em; chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 18/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường các giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020, Tháng hành động Vì trẻ em, chỉ đạo triển khai Công điện của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Công tác Bảo vệ trẻ em đoạn 2018-2025, tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại và đuối nước ở trẻ em; Kế hoạch thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025; Kế hoạch triển khai Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025; Kế hoạch triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; triển khai một số hoạt động Bảo vệ trẻ em thuộc Dự án 2 về Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; phục vụ Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011- 2019; hướng dẫn tổ chức Tổng kết các Chương trình/Đề án/Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2013 - 2020...

Với sự chỉ đạo của sở và phối hợp với các ngành liên quan, công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực:

+ Năm 2016, toàn thành phố có 220 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã/phường phù họp với trẻ em, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, chăm sóc (tăng so năm 2015 là 2,3%), tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt giảm dưới 2% so với tổng số trẻ em trên địa bàn thành phố, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh; 100% các địa phương trên địa bàn thành phố được chỉ đạo tổ chức Diễn đàn trẻ em. Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố vận động, ủng hộ được 3,7 tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch năm và bằng 101% so với năm 2015.

+ Năm 2017 có 223 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã/phường phù hợp với trẻ em; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt giảm dưới 2% so với tổng số trẻ em trên địa bàn thành phố; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, chăm sóc; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh. Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố vận động, ủng hộ được 03 tỷ đồng.

+ Năm 2018, thành phố tổ chức đánh giá kết quả 03 năm thực hiện mô hình Câu lạc bộ trẻ em khuyết tật do Tổ chức EFA tài trợ; Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và mô hình Chăm sóc thay thế cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố đã vận động được hơn 3 tỷ đồng.

+ Năm 2019, toàn thành phố có 100% xã/phường/thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em sinh trong năm được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện và được hỗ trợ, can thiệp dưới nhiều hình thức.

Hoạt động tuyên truyền qua các phương tiện thông tin (báo chí, phát thanh, truyền hình), pano, áp phích, khẩu hiệu được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện quyền trẻ em. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác Bảo vệ trẻ em cấp xã và huyện về luật pháp, chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em và công tác phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; thực hiện hiệu quả các hoạt động mô hình Câu lạc bộ trẻ em khuyết tật do tổ chức EFA Japan tài trợ, mô hình Kết nối dịch vụ và chăm sóc thay thế đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi H1V/AIDS, mô hình Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, mô hình phòng ngừa lao động trẻ em...

Hằng năm, ngành phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động, vui chơi giải trí, thăm, tặng quà cho trẻ em nhân Tết Nguyên đán; tổ chức và hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bị bệnh tim bẩm sinh…với số tiền khá lớn. Những năm 2015- 2019, toàn thành phố có trên 1,6 triệu lượt trẻ em được hỗ trợ, thăm, hỏi tặng quà với kinh phí trên 119,3 tỷ đồng, có 473 lượt trẻ em mắc bệnh tim được khám sàng lọc và thực hiện hỗ trợ phẫu thuật cho 120 trẻ em. Năm 2016 hỗ trợ trên 2,997 tỷ đồng; năm 2018, thăm, hỏi tặng quà, hồ trợ cho hơn 454 nghìn lượt trẻ em (tăng 119.235 lượt trẻ so với năm 2017) với tổng kinh phí trên 30,6 tỷ đồng, tổ chức khám sàng lọc, tư vấn, tặng quà, hỗ trợ tiền ăn cho 51 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim cho 17 bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật tim, với số tiền 510 triệu đồng. Năm 2019, tổ chức thăm, hỏi tặng quà, trao học bổng, hỗ trợ phẫu thuật...cho hơn 400 nghìn lượt trẻ em, với tổng kinh phí hơn 39 tỷ đồng. Số trẻ em được thăm và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý là 13.322 lượt, với số tiền gần 4,7 tỷ đồng, bằng 150% so với Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (2019). Đến giữa năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em theo chuẩn Quyết định số 34/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Công tác Bình đẳng giới:

Công tác Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ được tăng cường; các chính sách nhà nước về bình đẳng giới được triển khai hiệu quả; hoạt động giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về bình đẳng giới, về quyền phụ nữ được nâng cao.Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với đơn vị liên quan, xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2016- 2020, ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ, tổ chức tuyên truyền về Bình đẳng giới; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới; triển khai Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố, với chủ đề cụ thể từng năm…

Các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới diễn ra khá sôi nổi, từ thành phố đến các quận, huyện, xã phường, trường học, trên các phương tiện truyền thống diễn ra khá sôi nổi. Hằng năm, Sở đều tổ chức các lớp tập huấn cho những thành viên làm công tác bình đăng giới các sở, ngành, đoàn thể thành phố, các quận, huyện và giáo viên, cán bộ phụ trách công tác đoàn, đội trong các trường phô thông. Tập huấn đã cung cấp kiến thức, phương pháp giảng dạy, các bài giảng mẫu về bình đẳng giới, các kỹ năng phòng chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, từ đó áp dụng vào giảng dạy cho học sinh trong trường học, đồng thời xây dựng đội ngũ báo cáo viên về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới các cấp. Năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn cho nữ đại biểu tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2020 và trang bị kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cho đội ngũ báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan truyền thông.Bằng các hoạt động khác như trưng bày tranh hưởng ứng Tháng hành động nhằm kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và phát động cuộc thi “Tìm hiểu chính sách pháp luật về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới; Tìm kiếm sáng kiến nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, tổ chức tọa đàm về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hội thảo thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo…Các mô hình Nhà tạm lánh - địa chỉ tin cậy được triển khai ở huyện Cát Hải; tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng và triển khai hoạt động mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên.

5. Công tác Phòng, chống tệ nạn xã hội:

Những năm 2016-2020, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được những kết quả tích cực.Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về; triển khai Kế hoạch về thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng” thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Liên tịch số 01/2005/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTT-UBTWMTTQVN của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.  

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; vận động cộng đồng và cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản... góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố. Hoạt động tuyên truyền bằng các hình thức tài liệu, tờ rơi, sân khấu hóa, qua hệ thống thông tin truyền thống tới tất cả các tầng lớp nhân dân, đối tượng xã hội; phối hợp tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, tệ nạn mại dâm, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, phòng chống HIV/AIDS... Năm 2017, tổ chức 20 buổi truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội, văn nghệ truyền thông cho 17.000 lượt người là học sinh, đoàn viên, phụ huynh, giáo viên và học viên cơ sở cai nghiện ma túy và nhân dân trên địa bàn, phát gần 20.000 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội; tổ chức 05 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội cho 1.100 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ viên chức làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố. Năm 2019, phối hợp tổ chức 34 buổi tập huấn, tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, tệ nạn mại dâm, công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, phòng chống HIV/AIDS... cho 5.459 đại biểu, phát 5.459 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, viết 25 tin bài, đưa 46 tin tổng hợp về các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội trên website của Chi cục thu hút gần 44.152 lượt người truy cập…

Công tác quản lý, chữa bệnh, phục hồi cho người nghiện cai nghiện tập trung, tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng tiếp tục được duy trì tốt. Kết quả các năm 2016-2019 đã điều trị, cai nghiện bằng các hình thức cho 18.148 lượt người, trong đó: cai nghiện tập trung cho 12.362 lượt người, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 1.464 người, đưa thêm 03 cơ sở điều trị Methadone thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vào hoạt động (cơ sở tại thị trấn Tiên Lãng, cơ sở tại thị trấn Vĩnh Bảo và cơ sở tại xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên) nâng tổng số cơ sở điều trị Methadone do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý là 06 cơ sở đang quản lý, điều trị cho 1.123 người; tỷ lệ người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được chữa trị, cai nghiện dự kiến năm 2020 đạt 90%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức quản lý, cai nghiện tập trung cho 2.027 lượt người, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 113 người, điều trị Methadone cho 1.299 người. Công tác thông tin, truyên truyền được đẩy mạnh, Chi cục đã viết 13 tin bài, đưa 24 tin tổng hợp về các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội trên trang Website của Chi cục thu hút 18.658 lượt người truy cập…

 

KẾT LUẬN

Bảy mươi lăm năm (1945 - 2020), Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã vượt qua khó khăn, không ngừng trưởng thành và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sôi động, trong thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới vẫn đặc biệt quan tâm tới việc thành lập Ngành Lao động, Xã hội, Cứu tế, tiền thân của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay. Trải qua những chặng đường lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng không ngừng lớn mạnh, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những chủ trương của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về các lĩnh vực Lao động và việc làm, Người có công, Giảm nghèo và Bảo trợ xã hội, Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Phòng chống tệ nạn xã hội… Đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cùng với phát triển kinh tế, tạo nên một xã hội với mục đích mang lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

Từ khi được giải phóng, ngày 13-5-1955 tổ chức bộ máy của Ngành Lao động Hải Phòng được thành lập và thường xuyên được bổ sung chức năng, nhiệm vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong điều kiện chiến tranh phá hoại và phong tỏa ác liệt của đế quốc Mỹ đối với thành phố cảng, trung tâm công nghiệp, cửa khẩu giao thương quốc tế lớn nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ban Thương binh - Xã hội, chưa hình thành tổ chức cấp sở, nhưng đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho thành phố thực hiện đúng chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân tại ngũ và các đối tượng xã hội. Nhiều cán bộ, nhân viên của Ngành Lao động và Ngành Thương binh - Xã hội được tăng cường cho chiến trường và vùng giải phóng. Sau chiến tranh, nhiều cán bộ, chiến sĩ là thương binh, bệnh binh được tiếp nhận công tác trong Ngành Thương binh - Xã hội. Sau ngày đất nước thống nhất, Ngành Lao động và Ngành Thương binh - Xã hội, nhất là từ khi sáp nhập thành Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (năm 1988), đã không ngừng được đổi mới, ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của thành phố đối với lĩnh vực lao động; người có công; giảm nghèo và bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn xã hội...

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố, quyết tâm chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng bộ Hải Phòng luôn xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ về lĩnh vực này, coi đó là thước đo đánh giá sự tiến bộ xã hội và những thành tựu phát triển. Đáng chú ý, những năm gần đây, thành phố đã có nhiều chủ trương, quyết sách đổi mới, sáng tạo, nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, được toàn dân phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận. Thành phố đã đề ra và thực hiện hóa được chủ trương “phát triển kinh tế bảo đảm gắn với phát triển văn hóa - xã hội, triển khai có hiệu quả nhiều chính sách về tiến bộ và công bằng xã hội; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao”.Chưa bao giờ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội lại có những tham mưu hiệu quả và triển khai thực hiện nhiều công việc lớn của thành phố như vậy. Có thể khẳng định, trong suốt 75 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã vượt qua bao khó khăn, có nhiều đóng góp vào thành tích chung của toàn ngành, với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã không ngừng vượt khó, vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp tục vun đắp và phát huy truyền thống “Đoàn kết - Trung thành - Tận tụy”, giành được những thành tích mới, đáng tự hào.

 

PHẦN THỨ HAI
TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ CÁC ĐOÀN THỂ; CÁC PHÒNG, ĐƠN VỊ THUỘC SỞ, CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP TRỰC THUỘC SỞ VÀ PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI CÁC QUẬN, HUYỆN

 

A. TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ CÁC ĐOÀN THỂ

I. ĐẢNG BỘ CƠ QUAN SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Đảng bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiền thân là Đảng bộ Sở Lao động và Đảng bộ Sở Thương binh - Xã hội. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đảng bộ Sở luôn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

1. Đại hội Đảng bộ lần I, nhiệm kỳ 1988 - 1990: Đồng chí Nguyễn Xuân Kiền được bầu giữ chức Bí thư.

2. Đại hội Đảng bộ lần II, nhiệm kỳ 1990 - 1993: Đồng chí Nguyễn Xuân Kiền tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư.

3. Đại hội Đảng bộ lần III, nhiệm kỳ 1993 - 1995: Đồng chí Phạm Văn Huấn được bầu giữ chức Bí thư; đồng chí Nguyễn Xuân Kiền - Phó Bí thư.

4. Đại hội Đảng bộ lần IV, nhiệm kỳ 1995 - 1998, gồm 09 đồng chí:

- Đồng chí Phạm Văn Huấn - Bí thư              

- Đồng chí Vũ Thị Minh Châu - Phó Bí thư

- Các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở, gồm: Đồng chí Phạm Bá Ần; đồng chí Nguyễn Trọng Đàm; đồng chí Trần Xuân Giới; đồng chí Tô Văn Sỹ; đồng chí Nguyễn Văn Chữ; đồng chí Phạm Quốc Hải; đồng chí Đào Công Hải.

5. Đại hội Đảng bộ lần V, nhiệm kỳ 1998 - 2000, gồm 09 đồng chí:

- Đồng chí Phạm Văn Huấn - Bí thư

- Đồng chí Trần Xuân Giới - Phó Bí thư

- Các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở, gồm: Đồng chí Phạm Bá Ần; đồng chí Lê Thị Đài; đồng chí Tô Văn Sỹ; đồng chí Trần Công Thuận; đồng chí Nguyễn Văn Chữ; đồng chí Đào Công Hải; đồng chí Nguyễn Xuân Khánh.

6. Đại hội Đảng bộ lần VI, nhiệm kỳ 2000 - 2003, gồm 09 đồng chí:

- Đồng chí Phạm Văn Huấn - Bí thư

- Đồng chí Trần Xuân Giới - Phó Bí thư

- Các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở, gồm: Đồng chí Phạm Bá Ần; đồng chí Lê Thị Đài; đồng chí Tô Văn Sỹ; đồng chí Trần Công Thuận; đồng chí Nguyễn Văn Chữ; đồng chí Trần Xuân An; đồng chí Nguyễn Xuân Khánh.

7. Đại hội Đảng bộ lần VII, nhiệm kỳ 2003 - 2005, gồm 11 đồng chí:

- Đồng chí Phạm Văn Huấn - Bí thư

- Đồng chí Trần Xuân Giới - Phó Bí thư

- Các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở, gồm: Đồng chí Phạm Bá Ần; đồng chí Lê Thị Đài; đồng chí Đặng Văn Tâng; đồng chí Nguyễn Văn Chữ; đồng chí Tô Văn Sỹ; đồng chí Nguyễn Đức Phan; đồng chí Trần Xuân An; đồng chí Bùi Công Tỉnh; đồng chí Phạm Văn Căng.

8. Đại hội Đảng bộ lần VIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010, gồm 11 đồng chí:

- Đồng chí Phạm Văn Huấn - Bí thư (nghỉ hưởng chế độ BHXH từ tháng 4/2007)

- Đồng chí Vũ Đình Khang (bổ sung Bí thư Đảng ủy từ tháng 4/2007)

- Đồng chí Trần Xuân Giới - Phó Bí thư

- Các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở, gồm: Đồng chí Phạm Bá Ần; đồng chí Lê Thị Đài; đồng chí Đỗ Văn Lợi; đồng chí Đặng Văn Tâng; đồng chí Nguyễn Văn Chữ; đồng chí Phạm Văn Căng; đồng chí Nguyễn Đức Phan; đồng chí Trần Xuân An; đồng chí Bùi Công Tỉnh.

9. Đại hội Đảng bộ lần IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, gồm 13 đồng chí:

- Đồng chí Nguyễn Bách Phái - Bí thư

- Đồng chí Đỗ Văn Bình - Phó Bí thư

- Đồng chí Đặng Văn Tâng - Ủy viên Ban Thường vụ;

- Các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở, gồm: đồng chí Nguyễn Thị Tâm; đồng chí Trần Văn Huy; đồng chí Bùi Thị Nga; đồng chí Đoàn Văn Vĩnh; đồng chí Tăng Tiến Sơn; đồng chí Bùi Quốc Tuấn; đồng chí Phạm Văn Bích; đồng chí Nguyễn Đình Hoa; đồng chí Vũ Minh Tú; đồng chí Nguyễn Đức Phan.

10. Đại hội Đảng bộ lần X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, gồm 13 đồng chí:

- Đồng chí Nguyễn Bách Phái - Bí thư.

- Đồng chí Đỗ Văn Bình - Phó Bí thư.

- Đồng chí Trần Văn Huy - Ủy viên Ban Thường vụ;

- Các Ủy viên Ban Chấp hành, gồm: đồng chí Nguyễn Thị Tâm; đồng chí Nguyễn Hữu Cường; đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền; đồng chí Đoàn Văn Vĩnh; Tăng Tiến Sơn; đồng chí Lê Quang Hưng; đồng chí Phạm Văn Hiệu; đồng chí Nguyễn Đình Hoa; đồng chí Vũ Minh Tú; đồng chí Phạm Thị Thu Hiền.

11. Đại hội Đảng bộ lần XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm 15 đồng chí:

- Đồng chí Đỗ Văn Bình - Bí thư.

- Đồng chí Trần Văn Huy - Phó Bí thư.

- Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, gồm: đồng chí Đoàn Văn Vĩnh; đồng chí Phạm Văn Hiệu; đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền;

- Các Ủy viên Ban Chấp hành, gồm: đồng chí Nguyễn Hữu Cường; đồng chí Lê Quang Hưng; đồng chí Tăng Tiến Sơn; đồng chí Trương Công Định; đồng chí Lê Thanh Tùng; đồng chí Phạm Thị Thu Hiền; đồng chí Phạm Thị Hồng Vân; đồng chí Nguyễn Thị Tuấn Anh; đồng chí Phạm Thị Lan; đồng chí Nguyễn Thị Ngân.

II. ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được thành lập từ ngày 18/9/2008 theo Quyết định số 95/QĐ-ĐTN của Ban Chấp hành Đoàn khối Dân chính đảng và nâng cấp Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành Đoàn cơ sở.

Hiện nay (6-2020), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 12 chi đoàn cơ sở thuộc các đơn vị trực thuộc Sở, với 178 đoàn viên, trong đó nữ là 107 đoàn viên, chiếm 60%. Số đoàn viên là đảng viên là 32  đồng chí, chiếm 20% tổng số đoàn viên thanh niên, trong đó nữ là  17 đồng chí, chiếm 53% tổng số đảng viên là thanh niên.

1. Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lâm thời, nhiệm kỳ 2002 - 2003:

- Đồng chí Tăng Tiến Sơn - Bí thư;

- Đồng chí Trần Văn Huy - Phó Bí thư.

2. Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2004 - 2006:

- Đồng chí Trần Văn Huy - Bí thư

- Đồng chí Lê Thanh Tùng - Phó Bí thư

3. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2006 - 2008, gồm 09 đồng chí:

- Đồng chí Trần Văn Huy - Bí thư

- Đồng chí Lê Thanh Tùng - Phó Bí thư

- Các Ủy viên Ban Chấp hành, gồm các đồng chí: Bùi Đức Điệp, Nguyễn Văn Hùng, Lương Thị Lâm, Đỗ Tân Cương, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Đăng Dũng, Nguyễn Thị Giang Anh.

4. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Sở, nhiệm kỳ 2009 - 2011, gồm 09 đồng chí:

- Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư

- Đồng chí Bùi Đức Điệp - Phó Bí thư

- Các Ủy viên Ban Chấp hành, gồm các đồng chí: Tạ Duy Bình, Đỗ Tân Cương, Nguyễn Đăng Dũng, Hà Bình Sơn, Nguyễn Thị Thoa, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Đức Tuấn.

5. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Sở, nhiệm kỳ 2012 - 2014, gồm 09 đồng chí:

- Đồng chí Bùi Đức Điệp - Bí thư

- Đồng chí Đặng Thị Mai - Phó Bí thư

- Các Ủy viên Ban Chấp hành, gồm các đồng chí: Vũ Thùy Trang, Hà Bình Sơn, Nguyễn Thị Thu, Lê Văn Minh, Bùi Thị Thanh Tâm, Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thị Giang Anh.

6. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Sở, nhiệm kỳ 2015 - 2017 gồm 09 đồng chí:

- Đồng chí Bùi Đức Điệp - Bí thư

- Đồng chí Đỗ Anh Thái - Phó Bí thư

- Các Ủy viên Ban Chấp hành, gồm các đồng chí: Lê Thị Minh Phương, Khúc Văn Trường, Lê Văn Minh, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Đức Tuấn, Vũ Tuấn Anh, Lâm Thị Dịu.

7. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Sở, nhiệm kỳ 2017 - 2020, gồm 09 đồng chí:

- Đồng chí Bùi Đức Điệp - Bí thư

- Đồng chí Lê Thị Minh Phương - Phó Bí thư

- Các Ủy viên Ban Chấp hành, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Đức, Hoàng Thúy Hằng, Lê Văn Minh, Nguyễn Đức Tuấn, Vũ Thị Hồng, đồng chí Vũ Thanh Thúy, Trần Thị Thu Hải.

III. CÔNG ĐOÀN SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HẢI PHÒNG

Tính đến tháng 6/2020, Công đoàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 24 Tổ Công đoàn và Công đoàn trực thuộc, với 704 đoàn viên; trong đó, có 396 đoàn viên công đoàn là nữ, chiếm tỷ lệ 56,25%; có 264 đoàn viên công đoàn là đảng viên, chiếm 37,5% so với tổng số đoàn viên công đoàn, đảng viên nữ là 120 đồng chí, chiếm 45,45% trong tổng số đảng viên. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị: Thạc sĩ có 55 người, chiếm 7,42%; Đại học là 459 người, chiếm 61,94% và 30,64% có trình độ Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề. Đội ngũ người lao động, đoàn viên công đoàn Sở có phẩm chất chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

1. Đại hội Công đoàn lần I, nhiệm kỳ 2005 - 2007:

- Đồng chí Đặng Văn Tâng - Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Đức Truyền - Phó Chủ tịch.

2. Đại hội Công đoàn lần II, nhiệm kỳ 2007 - 2009, gồm 11 đồng chí:

- Đồng chí Lê Thị Đài - Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Hữu Cường - Phó Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Thị Tạm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng  ban Ban nữ công;

- Các Ủy viên Ban Chấp hành, gồm các đồng chí: Đặng Văn Tâng; Nguyễn Thị Lan; Trần Văn Huy; Nguyễn Thị Diệp; Phạm Bích Thủy; Nguyễn Thu Hà; Nguyễn Đình Hoa; Vũ Thị Bích Hạnh.

3. Đại hội Công đoàn lần III, nhiệm kỳ 2010-2012, gồm 15 đồng chí:

- Đồng chí Đỗ Văn Bình - Chủ tịch;

- Đồng chí Trần Văn Huy - Phó Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Đình Hoa Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Ban nữ công; đồng chí Bùi Thị Nga, Ủy viên Ban Thường vụ;

- Các Ủy viên Ban Chấp hành, gồm các đồng chí: Đoàn Văn Vĩnh; Nguyễn Đại Nghĩa; Nguyễn Văn Bích; Vũ Văn Hanh, Vũ Thị Bích Hạnh; Lê Quang Hưng; Phạm Bích Thủy, Lê Ngọc Lan; Vũ Minh Tú; Trần Trọng Viễn.

4. Đại hội Công đoàn lần IV, nhiệm kỳ 2013-2016, gồm 15 đồng chí:

- Đồng chí Đỗ Văn Bình - Chủ tịch;

- Đồng chí Trần Văn Huy - Phó Chủ tịch;

- Đồng chí Đoàn Văn Vĩnh; đồng chí Nguyễn Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Ban nữ công; Trương Công Định, Ủy viên Ban Thường vụ;

- Ủy viên Ban Chấp hành, gồm các đồng chí: Nguyễn Đại Nghĩa; Tăng Tiến Sơn; Nguyễn Văn Sơn, Vũ Thị Thất; Phùng Thị Oanh; Phạm Thị Thu Hiền, Lê Thị Thanh Mai; Phạm Thu Hà; Đào Công Thắng; Bùi Thị Nga.

5. Đại hội Công đoàn lần V, nhiệm kỳ 2017-2022, gồm 14 đồng chí:

- Đồng chí Trần Văn Huy - Chủ tịch;

- Đồng chí Đoàn Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Ban nữ công; đồng chí Tăng Tiến Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Trương Công Định, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Ban phong trào;

- Ủy viên Ban Chấp hành, gồm các đồng chí: Nguyễn Đại Nghĩa, UV Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Ban Phong trào; Lương Thị Hảo; Phạm Thị Thu Hiền; Phạm Thị Thu Hà; Đặng Thị Mai; Vũ Thúy Dịu; Vũ Duy Nghị; Vũ Thị Thất; Lưu Thanh Tân.

IV. HỘI CỰU CHIẾN BINH

Hiện nay, Hội Cựu chiến binh Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 26 hội viên, trong đó số hội viên là đảng viên 23 đồng chí, chiếm 88,5% tổng số hội viên, 05 đồng chí tham gia cấp ủy cơ sở, 02 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Từ năm 2005 đến năm 2007:

- Đồng chí Phạm Bá Ần - Chủ tịch;

- Đồng chí Đặng Văn Tâng - Phó Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Đức Truyền - Ủy viên.

2. Từ năm 2007 đến năm 2009:

- Đồng chí Đặng Văn Tâng - Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Đức Truyền - Phó Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Hữu Cường - Ủy viên.

3. Từ năm 2009 đến năm 2011:

- Đồng chí Đặng Văn Tâng - Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Thế Quý - Phó Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Hữu Cường - Ủy viên.

4. Từ năm 2011 đến năm 2012:

- Đồng chí Đặng Văn Tâng - Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Hữu Cường - Phó Chủ tịch;

5. Từ năm 2012 đến năm 2014:

- Đồng chí Đặng Văn Tâng - Chủ tịch;

- Đồng chí Nguyễn Hữu Cường - Phó Chủ tịch;

- Các Ủy viên Ban Chấp hành, gồm 05 đồng chí: Nguyễn Đức Phan; Bùi Thị Tuyết; Nguyễn Thế Hoạt; Đỗ Văn Chung; Đoàn Quang Duyên.

6. Từ năm 2014 -2017:

- Đồng chí Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch;

- Đồng chí Đoàn Quang Duyên - Phó Chủ tịch;

- Các Ủy viên, gồm 04 đồng chí: Nguyễn Đức Phan; Bùi Thị Tuyết; Nguyễn Thế Hoạt; Đỗ Văn Chung.

7. Từ năm 2017-2022:

- Đồng chí Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch;

Đồng chí Trương Công Định - Phó Chủ tịch;

- Các Ủy viên, gồm 05 đồng chí: Đỗ Văn Chung; Vũ Minh Tú; Đỗ Quý Hưng, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Hài.

B. CÁC PHÒNG, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC VÀ TRỰC THUỘC SỞ; PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI CÁC QUẬN, HUYỆN

I. CÁC PHÒNG, ĐƠN VỊ THUỘC SỞ (Quản lý nhà nước)

1. VĂN PHÒNG

Văn phòng là cơ quan tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Sở, thực hiện chức năng theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của Sở; triển khai các hoạt động của ngành; tổ chức thực hiện công tác tổ chức cán bộ, công tác tuyên truyền, tổng hợp, thi đua, khen thưởng và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh trật tự và các hoạt động khác tại cơ quan Sở; đồng thời, theo Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, Văn phòng thêm thực hiện công tác pháp chế.

Hiện nay, Văn phòng Sở có 16 công chức, người lao động; trong đó gồm có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng. Về trình độ chuyên môn, có 02 thạc sỹ, 08 đại học, còn lại là trình độ cao đẳng, trung cấp và nghề. Tập thể công chức, người lao động Văn phòng Sở luôn đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hằng năm, tập thể Văn phòng Sở đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố tặng thưởng Bằng khen do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp chung vào thành tích của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

2. THANH TRA:

Trước tháng 5/1990, Thanh tra Sở có tên là Ban Thanh tra Sở, có Trưởng ban, Phó ban và cán bộ thanh tra; biên chế từ 2- 4 cán bộ; từ tháng 6/1990 đến tháng 12/1994 đổi là Thanh tra Sở. Theo Pháp lệnh thanh tra năm 1990, Thanh tra Sở là tổ chức thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong hệ thống Thanh tra Nhà nước. Những năm 1995-8/2003, Thanh tra có tên gọi là Thanh tra chính sách, theo Bộ luật Lao động năm 1994 và Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, là tổ chức thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nằm trong hệ thống Thanh tra Nhà nước. Tháng 9/2003, hợp nhất Thanh tra Chính sách và Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn lao động thành Thanh tra Sở vẫn là tổ chức thanh tra Nhà nước theo Luật Thanh tra số 22/2004/QH11; Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, gồm: Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên; biên chế từ 8-10 công chức. Thanh tra Sở là đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bao gồm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; chủ trì các cuộc điều tra tai nạn lao động, tai nạn được coi là tai nạn lao động nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Thanh tra có 09 công chức, trong đó có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và thanh tra viên.

Trong những năm qua, tập thể thanh tra Sở luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liên tục được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, tặng Bằng khen và danh hiệu “tập thể lao động xuất sắc”. Cụ thể: các năm 2010, 2011, 2012, 2016, 2018 được Ủy ban nhân dân thành phố tặng Bằng khen; năm 2013, 2015, 2017 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen; năm 2014, 2018 được Ủy ban nhân dân thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2019, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; tập thể Thanh tra được lựa chọn điển hình tiên tiến, giai đoạn 2015-2020 của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. 

3. PHÒNG KẾ HOẠCH - TÀI CHÍNH:

Phòng Kế hoạch - Tài chính, tiền thân là Phòng Tài vụ theo Quyết định số 314/QĐ-TCCQ ngày 01/4/1988 và được đổi tên thành Phòng Kế toán - Tài chính theo Quyết định số 1633/2006/QĐ-UBND ngày 21/7/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố. Từ năm 2009 đến nay, thực hiện các Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố: số 688/2009/QĐ-UBND ngày 22/4/2009; số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 và số 11/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018, phòng có tên là Phòng Kế hoạch - Tài chính, với chức năng, nhiệm vụ: tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý về công tác kế hoạch, tài chính, kế toán, thống kê của ngành và sử dụng các nguồn kinh phí của cơ quan Sở theo quy định hiện hành. Hiện nay, Phòng có 05 công chức, trong đó có Trưởng phòng, các Phó Trưởng phòng và 02 công chức chuyên môn nghiệp vụ.

Phòng luôn hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao; quản lý tốt công tác kế hoạch, tài chính, kế toán của ngành. Hằng năm, tập thể Phòng Kế hoạch - Tài chính đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, nhiều năm được công nhận là tập thể lao động xuất sắc, được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng thưởng Bằng khen, Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp chung vào thành tích của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. 

4. PHÒNG LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI:

Phòng Lao động, Tiền lương và Bảo hiểm xã hội được thành lập theo Quyết định số 1507/QĐ-SLĐTBXH ngày 07/7/2014 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đổi tên Phòng Lao động, Việc làm - Tiền lương và Bảo hiểm xã hội. Căn cứ Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016; Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố, theo đó Phòng Lao động, Tiền Lương và Bảo hiểm xã hội là đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, tiền công, tranh chấp lao động, đình công và bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội bắt buộc và Bảo hiểm xã hội tự nguyện) theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Phòng có 05 công chức; trong đó, có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và 03 công chức; nhìn chung, công chức Phòng Lao động, Tiền Lương và Bảo hiểm xã hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi nâng cao nghiệp vụ, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong những năm qua, kể từ khi thành lập đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố tặng thưởng Bằng khen do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp chung vào thành tích của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

5. PHÒNG VIỆC LÀM - AN TOÀN LAO ĐỘNG:

Căn cứ Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng; Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng ban hành kèm theo Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố, theo đó Phòng Việc làm - An toàn lao động là đơn vị chuyên môn thuộc Sở, có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện việc quản lý nhà nước về lĩnh vực: Việc làm, An toàn lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Quản lý các tổ chức dịch vụ việc làm; giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm; giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật lao động. Quản lý, triển khai thực hiện lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tham mưu, thực hiện nhiệm vụ về an toàn lao động, vệ sinh lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động trong phạm vi thành phố; Chủ trì, phối hợp tổ chức điều tra tai nạn lao động theo quy định...

Hiện nay, phòng có 07 công chức, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và 05 công chức; công chức Phòng Việc làm - An toàn lao động luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi nâng cao nghiệp vụ, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ ngày thành lập, tập thể Phòng Việc làm - An toàn lao động đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố tặng thưởng nhiều Bằng khen do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp chung vào thành tích của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

 6. PHÒNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHỆP:

Phòng Giáo dục nghề nghiệp là đơn vị chuyên môn thuộc Sở, tham mưu cho Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố theo quy định tại Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng; Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng ban hành kèm theo Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố.Hiện nay, Phòng có 06 công chức, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và 04 công chức;công chức Phòng Giáo dục nghề nghiệp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi nâng cao nghiệp vụ, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong những năm qua, nhiều năm tập thể Phòng Giáo dục nghề nghiệp đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố tặng thưởng Bằng khen do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp chung vào thành tích của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, năm 2012 đã tham mưu đăng cai tổ chức thành công Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc; Đoàn thành phố Hải Phòng lần đầu tiên đoạt giải Nhất toàn đoàn và được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Cờ thi đua xuất sắc.

 7. PHÒNG NGƯỜI CÓ CÔNG:

Phòng Người có công có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công trên địa bàn thành phố; giúp Giám đốc Sở thực hiện quản lý nhà nước đối với các đối tượng là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng; tổ chức thực hiện các phong trào Đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo từng bước nâng cao đời sống cho các đối tượng thuộc ngành quản lý theo quy định tại Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng; Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng ban hành kèm theo Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Hiện nay, Phòng có 07 công chức; trong đó Trưởng phòng, các Phó Trưởng phòng và04 công chức; về trình độ chuyên môn, có 03 thạc sỹ, 04 đại học. Trong những năm qua Phòng Người có công luôn là tập thể lao động tiên tiến, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố tặng nhiều Bằng khen; đặc biệt, năm 2017 tập thể Phòng Người có công vinh dự được nhận Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 8. PHÒNG BẢO TRỢ XÃ HỘI:

Ngay sau ngày Hải Phòng giải phóng 13/5/1955, Uỷ ban quân chính thành phố Hải Phòng thành lập Ban Cứu bần, chọn đình Mỹ Tranh, xã Nam Sơn huyện An Dương làm nơi quản lý đối tượng người lang thang và mại dâm. Biên chế của Ban có khoảng 6 người, do một Phó ban phụ trách. Căn cứ Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016; Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng ban hành kèm theo Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố, Phòng Bảo trợ xã hội có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn là đơn vị chuyên môn, tham mưu Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo, Chương trình hành dộng quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và các đề án, chương trình về bảo trợ xã hội khác có liên quan; Tổng hợp, thống kê số lượng người cao tuổi, người khuyết tật, người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần, đối tượng trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội khác; Tổ chức xây dựng mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội, tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi và các loại hình cơ sở khác có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.

Hiện nay, Phòng có 06 công chức; trong đó, có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và03 công chức. Trong những năm qua, Phòng Bảo trợ xã hội luôn là tập thể lao động tiên tiến, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố tặng nhiều Bằng khen; đặc biệt, năm 2019 tập thể Phòng Bảo trợ xã hội được nhận Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phốdo có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 9. PHÒNG BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI:

Năm 2002, Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em được thành lập trên cơ sở sáp nhập Uỷ ban bảo vệ, chăm sóc trẻ em với Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố. Phòng Gia đình và Trẻ em thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em. Năm 2008, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em giải thể, Phòng Gia đình và Trẻ em được chuyển về đơn vị chủ quản là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, với tên gọi là Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới. Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới có chức năng giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới theo Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016; Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng ban hành kèm theo Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Hiện nay, phòng có 05 công chức; trong đó, có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và 03 công chức; về trình độ chuyên môn, có 02 thạc sĩ và 03 Đại học. Trong những năm qua, tập thể Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới đạt tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố tặng nhiều Bằng khen do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cụ thể: Từ năm 2002 đến năm 2007, liên tục được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam; năm 2013, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; các năm 2016, 2018, 2019 đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; năm 2012, 2019 được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố.

 10. CHI CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI:

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội được thành lập theo Quyết định số 626/QĐ-TCCQ ngày 16/7/1994 của Ủy ban nhân dân thành phố; Theo Quyết định số 1996/QĐ-UBND ngày 26/8/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội có 01 đơn vị trực thuộc là Trung tâm Tư vấn cai nghiện cộng đồng cho đến ngày 22/11/2016, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 2882/2016/QĐ-UBND quy định Trung tâm Tư vấn cai nghiện tại cộng đồng là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh Xã hội và nay Trung tâm Tư vấn cai nghiện tại cộng đồng được sáp nhập vào Cơ sở Cai nghiện ma túy số 02 theo Quyết định số 2402/QĐ-UBND ngày 07/10/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Hiện nay, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội có 03 phòng chuyên môn: Tổ chức Hành chính - Kế toán, Tư vấn Tuyên truyền và Quản lý Nghiệp vụ; có 20 công chức, người lao động, gồm: Chi Cục trưởng, các Phó Chi Cục trưởng và 17 công chức, người lao động. Theo Quyết định số 12498/QĐ-SLĐTBXH ngày 19/7/2018 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội là cơ quan trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và tổ chức quản lý đối với các cơ sở cai nghiện, cơ sở quản lý sau cai nghiện, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo phân cấp, ủy quyền...

Trải qua 26 năm xây dựng và trưởng thành, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao. Trong quá trình hoạt động, nhìn chung Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, đã nhận được nhiều Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố trong công phòng, chống tệ nạn xã hội, góp phần tích cực đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

 II. CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRỰC THUỘC SỞ:

1. TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM

Trung tâm Dịch vụ Việc làm, tiền thân là Trung tâm Giới thiệu Việc làm, được thành lập theo Quyết định số 1302/QĐ-UBND ngày 16/6/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố. Căn cứ Quyết định số 1842/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc đổi tên Trung tâm Giới thiệu việc làm thành Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Quyết định sô 9357/QĐ-SLĐTBXH ngày 13/8/2018 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quy định Trung tâm Dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng có chức năng tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động; cung ứng và tuyển dụng theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, phân tích dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề khác theo quy định của pháp luật; thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Về tổ chức bộ máy có 04 phòng nghiệp vụ: Tổ chức - Hành chính - Kế toán;  Tư vấn dịch vụ việc làm; Đào tạo nghề; Bảo hiểm thất nghiệp. Giám đốc Trung tâm là Thủ trưởng đơn vị, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm; Phó Giám đốc Trung tâm là người giúp Giám đốc Trung tâm phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc Trung tâm phân công, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công phụ trách; Lãnh đạo các phòng thuộc Trung tâm bao gồm 01 Trưởng phòng và không quá 02 Phó Trưởng phòng. Trong thời gian qua, đơn vị luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các hoạt động do Sở và Công đoàn Sở phát động.

 2. TRUNG TÂM KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN HẢI PHÒNG

Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật an toàn Hải Phòng là cơ quan kiểm định Nhà nước về kỹ thuật an toàn được thành lập theo Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 11/01/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Hoạt động của Trung tâm được triển khai trên các lĩnh vực: Kiểm định kỹ thuật an toàn các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Đánh giá hợp quy sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Kiểm định an toàn các thiết bị công nghiệp và dân dụng, kiểm tra hệ thống chống sét; Kiểm định phương tiện đo lường; Huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh lao động cho mọi thành phần kinh tế.

Với sự năng động, sáng tạo, nỗ lực, tập thể công chức, viên chức, người lao động Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật an toàn Hải Phòng thường xuyên phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, đơn vị.

 3. TRƯỜNG CAO ĐẲNG LAO ĐỘNG - XÃ HỘI HẢI PHÒNG

Trường Cao đẳng Lao động- Xã hội Hải Phòng được thành lập tại Quyết định số 1133/QĐ-LĐTBXH ngày 28/8/2012 trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp Trường dạy nghề Bạch Đằng và Trường dạy nghề Người tàn tật Hải Phòng, được đổi tên từ Trường Cao đẳng nghề Lao động- Xã hội Hải Phòng tại Quyết định số 1155/QĐ-LĐTBXH ngày 18/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng; chịu sự quản lý Nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; hoạt động theo điều lệ trường cao đẳng và quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chức năng, nhiệm vụ: Tổ chức đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên; Phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình người học trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật… Trường được thành lập với định hướng phục vụ cho công tác an sinh xã hội, dạy nghề cho các đối tượng chính sách, đối tượng chuyên biệt nhưngười khuyết tật, lao động nông thôn, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, bộ đội xuất ngũ…Trường đã đào tạo hàng nghìn học viên với các ngành nghề: Vận hành xe nâng hàng, Vận hành xe nâng người, Vận hành cần, cầu trục, xếp dỡ cơ giới tổng hợp, Hàn, Tin học văn phòng, May công nghiệp…Trường chú trọng việc phối hợp đào tạo với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, đã đào tạo được trên 1.800 học viên cho các doanh nghiệp; Trường đã tổ chức đào tạo cho gần 100 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Công ty LG, Công ty Xi măng Chinfon, Công ty GE, Công ty CP nhiệt điện Mông Dương…

Hiện nay, Trường có 56 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 28 viên chức và 28 hợp đồng lao động; có Phó Hiệu trưởng phụ trách. Mặc dù, lực lượng cán bộ, viên chức, người lao động tuy còn thiếu song với tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn đề cao vai trò trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường. Phấn đấu xây dựng nhà trường không ngừng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố và đất nước, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

 4. TRƯỜNG TRUNG CẤP KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ HẢI PHÒNG

Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật và Công nghệ Hải Phòng tiền thân là Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp - dạy nghề II, được thành lập theo Quyết định số 1666/QĐ-UBND ngày 05/9/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng là đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, địa chỉ tại số 02/258 Đà Nẵng, Ngô Quyền, Hải Phòng; đến tháng 8/2017 Trường trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 07/8/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc chuyển giao nguyên trạng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật và Công nghệ Hải Phòng từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải phòng. Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật và Công nghệ Hải Phòng đang thực hiện Đề án giải thể theo Quyết định số 1747/QĐ-UBND ngày 25/6/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật và Công nghệ Hải Phòng, với chức năng là cơ sở đào tạo đa cấp, đa ngành và hướng nghiệp dạy nghề phổ thông. Cơ cấu tổ chức của Trường, gồm: Ban Giám hiệu và các khoa, phòng chức năng, trung tâm trực thuộc; hiện nay, có 28 viên chức, người lao động. Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển nhà trường, từ khi là Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp - dạy nghề II, nay là Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật và Công nghệ Hải Phòng đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố, được thể hiện: Năm 1996, nhà trường vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì; năm 2007 được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba; Năm học 2008-2009, được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị dẫn đầu khối chuyên nghiệp; Năm học 2010-2011, được nhận Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố, đơn vị dẫn đầu khối chuyên nghiệp; từ năm 2010 đến năm 2015, nhà trường là đơn vị có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua của ngành giáo dục và đào tạo. Đang tiến hành thực hiện quy trình giải thể theo quy định.

 5. TRUNG TÂM ĐIỀU DƯỠNG NGƯỜI CÓ CÔNG

Trung tâm Điều dưỡng Người có công là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được thành lập theo Quyết định số 3156/QĐ-UB ngày 30/11/2004 của Uỷ ban nhân dân thành phố. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức tiếp nhận, đưa đón các đối tượng đến điều dưỡng tại Trung tâm, thực hiện việc điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho đối tượng có công với cách mạng trên địa bàn thành phố về nghỉ dưỡng tại Trung tâm theo chế độ quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh của ủy ban thường vụ Quốc hội về ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Trung tâm Điều dưỡng Người có công Hải Phòng được tọa lạc trên khuôn viên với diện tích 4.500m2, cạnh bờ biển khu I, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn. Bộ máy, gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm và các phòng Tổ chức - hành chính, Nghiệp vụ, với 25 công chức, viên chức, người lao động.

Được sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng các ban ngành, Trung tâm đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới nhà 7 tầng, đưa công suất số phòng nghỉ phục vụ đối tượng lên trên 70 phòng, tương đương với 152 giường, cơ sở vật chất ngày một khang trang, phù hợp và phục vụ tốt người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố.

Trong những năm qua, với sự năng động, sáng tạo, nỗ lực, tập thể công chức, viên chức, người lao động Trung tâm luôn phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, đơn vị được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố tặng nhiều Bằng khen về công tác chăm sóc và phục vụ người có công với cách mạng.

 6. TRUNG TÂM NUÔI DƯỠNG BẢO TRỢ XÃ HỘI

Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội tiền thân là Trại Tế bần do lịch sử để lại từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20 có chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng tất cả các đối tượng xã hội, người già cô đơn, người tâm thần, trẻ mồ côi, người tàn tật, gái mại dâm, người lang thang xin ăn. Sau đó được kiện toàn thành Trại Xã hội thuộc Sở Thương binh xã hội theo Quyết định số 1272/QĐ/TCCQ ngày 14/12/1984, với chức năng nuôi dưỡng chăm sóc người già cô đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến năm 1986 được đổi tên từ Trại Xã hội thành Khu Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội theo Quyết định số 101/QĐTC ngày 06/10/1986 của Sở Thương binh và Xã hội. Năm 2007 được đổi tên từ Khu nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội thành Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội theo Quyết định số 2340/QĐ-UBND ngày 26/11/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố và được xếp đơn vị hạng I theo Quyết định số 2055/QĐ-UBND ngày 22/10/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố. Do quá trình hình thành phát triển, cũng như chia tách nhiều diện đối tượng thành nhiều đơn vị thực hiện chức năng riêng, lên chưa được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đến năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 5142/QĐ-SLĐTBXH ngày 24/4/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội, với các phòng chuyên môn: Hành chính, Nuôi dưỡng. Năm 2018, đơn vị được bổ sung thêm nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 02/01/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng người cao tuổi có nguyện vọng tự nguyện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội, qua các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động luôn đoàn kết và hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng những đối tượng xã hội bằng sự yêu thương, tận tình, trách nhiệm. Hiện nay, Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội có tổng số 29 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, gồm Giám đốc, Phó Giám đốc và 27 viên chức, người lao động; tập thể công chức, viên chức, người lao động Trung tâm thường xuyên phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, đơn vị. Từ trước đến nay, đơn vị được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen; đặc biệt, năm 1976 đơn vị được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba.

 7. TRUNG TÂM ĐIỀU DƯỠNG NGƯỜI TÂM THẦN

Trung tâm Điều dưỡng Người tâm thần được thành lập theo Quyết định số 157/QĐ-TTCQ ngày 29/3/1977 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, với tên gọi là Trại Tâm thần, được xây dựng tại thôn Đan Điền, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Trung tâm Điều dưỡng Người tâm thần có chức năng tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc người tâm thần. Hàng năm, Trung tâm tiếp nhận trung bình từ 30 đến 45 đối tượng; số đối tượng về gia đình tái hòa nhập cộng đồng từ 10 đến 20 người. Hiện nay, Trung tâm có 58 công chức, viên chức, người lao động, thường xuyên chủ động trong công tác phát triển nguồn nhân lực, cử công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; tích cực tham gia phong trào do Sở, Công đoàn Sở phát động. Với kết quả phấn đấu trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tập thể và cá nhân trong đơn vị được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Bảo trợ Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Huy chương Vì sự nghiệp của ngành, Chiến sĩ thi đua; 02 cá nhân được biểu dương tấm gương “Người tốt, việc tốt”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được trong nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đoàn kết của tập thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, Trung tâm Điều dưỡng Người tâm thần tiếp tục trưởng thành trên mọi lĩnh vực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 8. LÀNG NUÔI DẠY TRẺ MỒ CÔI HOA PHƯỢNG

Làng Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng được thành lập theo Quyết định số 357/QĐ-TCCQ ngày 22/02/1992 và Quyết định bổ sung nhiệm vụ số 3569/QĐ-UB ngày 28/12/2004; Quyết định số 575/QĐ-UB ngày 08/4/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng; Quyết định số 5141/QĐ-SLĐTBXH ngảy 24/4/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành quy định, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Làng Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng: tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng theo mô hình gia đình các đối tượng là trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, trẻ em dưới 16 tuổi không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng… Hiện nay, Làng Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa phượng có Giám đốc, các Phó Giám đốc, với tổng số 27 công chức, viên chức và người lao động. Làng đang chăm sóc, nuôi dạy 59 trẻ em có độ tuổi từ 11 tháng tuổi đến 21 tuổi (33 nam, 26 nữ), trong đó có 10 trẻ em mồ côi, 24 trẻ em bị bỏ rơi (20 trẻ khuyết tật), 08 trẻ em lang thang, 07 trẻ em con bị án không có người nuôi dưỡng và 10 trẻ em có hoàn cảnh khác.

Trong 28 năm qua, Làng thực hiện nuôi dạy 276 lượt cháu, trong đó trẻ lang thang là 63 lượt cháu và các cháu đủ 18 tuổi trưởng thành ra Làng là 70 cháu; các cháu của Làng đã tham gia các cuộc thi và đạt hơn 200 giải các cấp. Vào các năm 1999, 2002, 2007 tập thể Làng được đều được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen vào các năm 1997, 1998, 2000, 2007 và Ủy ban nhân dân thành phố tặng Bằng khen vào các năm 1993, 1997, 2004; Năm 2002 và năm 2007, được Ủy ban nhân dân thành phố tặng bức trướng; Nhiều cá nhân nhận được Bằng khen, Giấy khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố và của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

 9. CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY SỐ 2

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 tiền thân là Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số 2 được thành lập theo Quyết định số 2321/QĐ-UB ngày 24/10/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố, đổi tên theo Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố; thực hiện sáp nhập Trung tâm tư vấn cai nghiện tại cộng đồng vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 theo Quyết định số 2402/QĐ-UBND ngày 07/10/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức thực hiện theo Quyết định số 04/QĐ-SLĐTBXH ngày 02/01/2020 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; theo đó, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có chức năng: tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc; tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện; tổ chức tiếp nhận người sử dụng, người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định; tổ chức tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 thực hiện tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá, phân loại, xác định tình trạng nghiện, tổ chức điều trị, cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, tổ chức các hoạt động nâng cao thể lực; điều trị các rối loạn về thể chất, tâm thần và các bệnh đồng diễn; chăm sóc, tư vấn và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, người mắc bệnh lao; tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người nghiện ma túy; Tổ chức các hoạt động trị liệu, tâm lý hành vi, tổ chức các hoạt động tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Hướng dẫn, tư vấn cho gia đình người nghiện ma túy về điều trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục tại gia đình và cộng đồng...Trong những năm qua, với sự cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, viên chức, người lao động, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố tặng nhiều Bằng khen do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 10. TRƯỜNG LAO ĐỘNG XÃ HỘI THANH XUÂN

Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng,Trường được kiện toàn bộ máy tổ chức theo Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 10/02/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòngvới tiền thân làTrường Giáo dục Lao động Thanh Xuân được thành lập theo Quyết định số 296/QĐ-TCCQ ngày 04/5/1994 của Ủy ban nhân dân thành phố. Trường có chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 9464/QĐ-SLĐTBXH ngày 14/6/2018 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân: Tiếp nhận điều trị cắt cơn nghiện và phục hồi sức khỏe cho đối tượng nữ và đối tượng vị thành niên nghiện ma túy trên địa bàn thành phố; Tổ chức triển khai cơ sở điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone theo mô hình xã hội hóa; Tiếp nhận điều trị, chữa trị, cai nghiện tự nguyện nam; Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng là trẻ em nhiễm HIV/AIDS không nơi nương tựa; Tiếp nhận, nuôi dưỡng tạm thời người lang thang xin ăn và người lang thang sinh sống ở nơi công cộng trên địa bàn thành phố; Tiếp nhận quản lý giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng người chưa thành niên không nơi cư trú ổn định.

Tổ chức bộ máy của Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân, bao gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc; Các phòng thuộc Trường, gồm: 06 phòng chuyên môn nghiệp vụ, Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em thiệt thòi và Cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa. Hiện nay, Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân có 84 công chức, viên chức và người lao động; trải qua 26 năm, tập thể cán bộ Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân đã nỗ lực phấn đấu. Từ kết quả đã đạt được, các năm 2015, 2016, 2017 tập thể Trường được đón nhận Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố; năm 2018, được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố; đặc biệt, năm 2019 Trường vinh dự được nhận Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc; tập thể Trường được lựa chọn là điển hình tiên tiến, giai đoạn 2015-2020 của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

 11. TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI

Trung tâm Công tác xã hội được thành lập trên cơ sở bổ sung nhiệm vụ và kiện toàn Trung tâm Công tác xã hội trẻ em thành phố Hải Phòng theo Quyết định số 2288/QĐ-UBND ngày 05/10/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Công tác xã hội theo Quyết định số 14115/QĐ-SLĐTBXH ngày 14/8/2018; với chức năng, nhiệm vụ: tổ chức các hoạt động cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các đối tượng xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng; cung cấp các dịch vụ khẩn cấp; tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng; tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; kết nối các dịch vụ xã hội phù hợp với nhu cầu của đối tượng; xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp đối tượng; giám sát và rà soát các hoạt động can thiệp, trợ giúp; cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực; thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi; phát triển cộng đồng; tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức; tổ chức vận động và tiếp nhận sự hỗ trợ tài chính, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động trợ giúp đối tượng;...

Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội cơ cấu tổ chức có Ban Giám đốc cùng các phòng thuộc Trung tâm, gồm: Phòng Hành chính - Tổng Hợp - Đào tạo; Phòng Can thiệp - Hỗ trợ; Phòng Truyền thông - Phát triển Cộng đồng; với 13 công chức, viên chức, người lao động. Trong những năm qua, Trung tâm Công tác xã hội đã phát huy sức mạnh tập thể, phát động và triển khai các phong trào đổi mới, sáng tạo, thi đua để hoàn thành toàn diện và vượt mức mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ của Trung tâm giai đoạn 2015-2020, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành. Liên tục từ năm 2015 đến năm 2019, Trung tâm Công tác xã hội đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến; đặc biệt, năm 2018 Trung tâm đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và được Ủy ban nhân dân thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc.

 12. QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM

Quỹ Bảo trợ trẻ em là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động xã hội, được thành lập theo Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 08/01/2004 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng (thuộc UBDSGĐ&TE thành phố), căn cứ theo Quyết định số 135/2003/QĐ-TTg ngày 09/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện quản lý và sử dụng quỹ bảo trợ trẻ em theo Thông tư số 87/2008/TT-BTC ngày 08/10/2008 của Bộ Tài chính. Hiện nay, Quỹ thuộc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội theo Quyết định số 586/QĐ-UBND ngày 14/4/2008 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố và theo quy định tại Nghị định số 186/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố Hải Phòng theo Quyết định số 25801/QĐ-SLĐTBXH ngày 31/12/2019; quy định: Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố Hải Phòng là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, có chức năng tổ chức vận động và khai thác các nguồn tài chính trong nước và ngoài nước nhằm thực hiện một số mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em cơ cấu tổ chức có Giám đốc, 01 Phó Giám đốc cùng các phòng, ban thuộc Quỹ, gồm: Văn phòng; Ban tuyên truyền, vận động; Ban quản lý chương trình, dự án; với 06 công chức, viên chức, người lao động. Trong những năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm, công tác vận động đạt từ 3 đến 5 tỷ đồng trở lên. Qua đó, hằng năm Quỹ Bảo trợ trẻ em đã hỗ trợ cho 5.000 đến 6.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của thành phố.

 13. LÀNG TRẺ EM SOS HẢI PHÒNG

Làng Trẻ em SOS Hải Phòng, với chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 287/QĐ-TCCQ ngày 30/4/1994 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng là Chăm sóc giáo dục các cháu mồ côi không nơi nương tựa từ sơ sinh đến tuổi trưởng thành có thể tự lập được bằng chính sức lao động của mình và là người có ích cho xã hội; thực hiện giáo dục mẫu giáo cho các cháu trong và ngoài Làng nhằm mục đích hoà nhập cộng đồng; cơ cấu tổ chức của Làng, gồm: Giám đốc; Trợ lý Giám đốc và các bộ phận Giáo dục; Hành chính, kỹ thuật, bảo vệ; Lưu xá thanh niên; Mẹ dì và Trường Mẫu giáo.

Trong những năm qua kể từ khi đi vào hoạt động, Làng Trẻ em SOS Hải Phòng đã và đang nuôi dưỡng 460 cháu là trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố. Hiện tại, Làng đang chăm sóc, nuôi dạy và quản lý 190 cháu từ 01 đến 24 tuổi, gồm: 134 cháu sống tại 14 nhà gia đình và nhà Thanh niên, 56 cháu sống ở ký túc xá và nhà trọ; có 189 cháu đã trưởng thành tự lập được cuộc sống, trong đó 131 cháu đã xây dựng gia đình. Với những thành tích đã đạt được, liên tục từ năm 1998 đến nay, Làng đều được nhận Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về thành tích trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các cháu; năm 2007, Làng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, ngày 04/7/2016 Làng Trẻ em SOS Hải Phòng vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước.

 14. TRƯỜNG PHỔ THÔNG HERMANN GMEINER HẢI PHÒNG

Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Hải Phòng được thành lập năm 2000 và hòa nhập cùng sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố. Trường được xây dựng trên khuôn viên gần 02 ha do sự đầu tư đồng bộ của Tổ chức SOS Quốc tế. Trường có cơ sở vật chất tốt, gồm 32 phòng học, 03 phòng thực hành (Lý, Hóa, Sinh), 02 phòng tin học với 50 máy vi tính và phòng học ngoại ngữ được trang bị hiện đại. Trường có thư viện và phòng đọc, phòng truyền thống, nhà tập đa năng 800m2, nhà ăn và nhà nghỉ trưa phục vụ công tác bán trú, có sân bóng đá, bóng rổ, khu thể thao liên hợp phục vụ công tác giảng dạy và học tập của học sinh. Trường có 32 phòng học lắp máy vi tính và tivi màn hình lớn phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của học sinh; Trường có 32 phòng học lắp máy vi tính phục vụ cho giáo viên và học sinh trong việc đổi mới phương pháp dạy học ứng dụng công nghệ thông tin và phương tiện hiện đại vào dạy học.

Hiện nay, nhà trường có Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, với tổng số 79 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có 41 viên chức, 38 nhân viên hợp đồng lao động. Với chặng đường 20 năm của một ngôi trường mới phát huy thế mạnh, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Hải Phòng đã từng bước được khẳng định vị thế của mình trong làng giáo dục Hải Phòng và trở thành ngôi trường quen thuộc của nhân dân thành phố Cảng, tạo được niềm tin của phụ huynh học sinh.

 III. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI CÁC QUẬN, HUYỆN

1. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẬN DƯƠNG KINH

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Dương Kinh được thành lập  theo Quyết định số 972/QĐ-UBND ngày 18/11/2008 của Uỷ ban nhân dân quận Dương Kinh về việc thành lập Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở chia tách từ Phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Dương Kinh có 05 công chức, người lao động gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và 03 công chức; Trình độ chuyên môn nghiệp vụ 05/05 có trình độ Đại học. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Dương Kinh luôn đoàn kết, tích cực nâng cao trình độ; hàng năm là tập thể lao động tiên tiến; được Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân quận Dương Kinh tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

 2. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẬN ĐỒ SƠN

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Đồ Sơn được thành lập theo Quyết định số 245/QĐ-UBND ngày 29/4/2008 của Ủy ban nhân dân quận. Với chức năng nhiệm vụ: tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân quận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Đồ Sơn có 05 công chức, người lao động gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và 03 công chức. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Đồ Sơn luôn đoàn kết, tích cực nâng cao trình độ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hàng năm, Chi bộ luôn đạt trong sạch vững mạnh là tập thể lao động tiên tiến; được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

 3. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI  QUẬN HẢI AN

Thực hiện Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hải An được thành lập theo Quyết định số 414/QĐ-UBND, ngày 19/5/2008, của Ủy ban nhân dân quận Hải An trên cơ sở chia tách Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội quận.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hải An có 07 công chức, người lao động. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hải An luôn đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hàng năm, luôn là tập thể lao động tiên tiến; được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân quận Hải An tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Đặc biệt, năm 2009 là đơn vị Tập thể xuất sắc dẫn đầu khối thi đua Văn hóa - Xã hội quận Hải An; năm 2011, là đơn vị thi đua xuất sắc của thành phố. Chi bộ luôn đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh tiêu biểu.Công đoàn đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh xuất sắc.

 4. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẬN HỒNG BÀNG

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hồng Bàng là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân quận thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận.

Trong những năm qua, phát huy truyền thống quận Hồng Bàng hai lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, qua các thời kỳ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hồng Bàng đã được Đảng, Nhà nước và thành phố tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; tập thể và cá nhân công chức của phòng được nhận Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân thành phố; Giấy khen các cấp; một số công chức được nhận Kỷ niệm chương của ngành.

 5. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẬN KIẾN AN

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Kiến An tiền thân là Phòng Thương binh - Xã hội tỉnh Hải Kiến thành lập năm 1955. Từ năm 1962 đến nay, phòng đã qua các lần đổi tên như sau: giai đoạn năm 1962 - 1969 là Phòng Thương binh - Xã hội Thị xã Kiến An; giai đoạn năm 1969 - 1980 là Phòng Tổ chức, Thương binh Xã hội huyện An Thụy; giai đoạn năm 1980 - 1989 là Phòng Thương binh - Xã hội huyện Kiến An; giai đoạn năm 1994 - 2000 Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Kiến An; giai đoạn năm 2001 - 2004 là Phòng Tổ chức Lao động và Xã hội quận Kiến An; tháng 10/2004 - 4/2008 là Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội quận Kiến An; từ tháng 5/2008 đến nay là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Kiến An.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Kiến An có 05 công chức, người lao động. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Kiến An luôn đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hàng năm, luôn là tập thể lao động tiên tiến; được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân quận Kiến An tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Đặc biệt, năm 1997 được vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Chi bộ luôn đạt danh hiệu “ Trong sạch vững mạnh”. Công đoàn đạt danh hiệu “Công đoàn vững mạnh xuất sắc”.

 6. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẬN LÊ CHÂN

Trước năm 1995, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Lê Chân quản lý cả các đối tượng hưu trí, mất sức lao động, tuất công nhân viên, người tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Những năm 2003 - 2008, theo quyết định của Chính phủ về qui định tổ chức bộ máy Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Tổ chức sáp nhập thành Phòng Tổ chức, Lao động - Thương binh và Xã hội; đến tháng 7/2008, lại tách ra là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận.

Trong những năm qua, tập thể Chi bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Lê Chân luôn đạt trong sạch vững mạnh; công chức, người lao động của phòng hàng năm đạt lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc. Với sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Lê Chân đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân quận tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, năm 1990 được Hội đồng Bộ trưởng tặng Bằng khen; năm 1997 được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; năm 2009 được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước; năm 2012, được nhận Cờ thi đua dẫn đầu khối quận, huyện của Ủy ban nhân dân thành phố.

 7. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẬN NGÔ QUYỀN

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ngô Quyền được thành lập trên cơ sở tách từ phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội, là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân quận thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn quận.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ngô Quyền có 09 công chức, người lao động. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ngô Quyền luôn đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hàng năm, luôn là tập thể lao động tiên tiến; được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Đặc biệt, năm 2010, tập thể Phòng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc; Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền tặng Giấy khen trong xây dựng, thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2008 - 2013. Công đoàn đạt danh hiệu “Công đoàn vững mạnh xuất sắc”.

 8. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN AN DƯƠNG

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Dương là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Dương có 06 công chức, người lao động. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Dương luôn đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hàng năm, luôn là tập thể lao động tiên tiến; tập thể và cá nhân công chức của phòng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân huyện An Dương tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua. Đặc biệt, năm 2002, tập thể Phòng được vinh dự nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước.

 9. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN AN LÃO

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Lão là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện. Phòng chịu sự chỉ đạo, quản lí về tổ chức, biên chế của Ủy ban nhân dân huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Lão có 06 công chức, người lao động. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Lão không ngừng phấn đấu, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hàng năm, luôn là tập thể lao động tiên tiến; tập thể và cá nhân công chức của phòng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân huyện An Lão tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua. Công đoàn đạt danh hiệu “Công đoàn vững mạnh xuất sắc”.

 10. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN CÁT HẢI

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cát Hải là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cát Hải có 06 công chức, người lao động. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cát Hải không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố giao; hàng năm, luôn là tập thể lao động tiên tiến; tập thể và cá nhân công chức của phòng được Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải tặng Giấy khen, chiến sĩ thi đua. Công đoàn đạt danh hiệu “Công đoàn vững mạnh xuất sắc”.

11. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN KIẾN THỤY

 Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Thụy được thành lập theo Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 24/8/2008 của Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy, trên cơ sở chia tách Phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội, với chức năng quản lý Nhà nước về: lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Thụy có 06 công chức; trình độ chuyên môn có 6/6 Đại học, trong đó có 3 đồng chí trình độ thạc sĩ; về trình độ lỹ luận chính trị, có 01 đồng chí trình độ cao cấp và 05 đồng chí trình độ trung cấp; 100% là đảng viên. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Thụy không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hàng năm, luôn là tập thể lao động tiên tiến, xuất sắc; tập thể và cá nhân công chức của phòng được Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy tặng Giấy khen, chiến sĩ thi đua. Công đoàn đạt danh hiệu “Công đoàn vững mạnh xuất sắc”.

 12. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN THỦY NGUYÊN

Thực hiện Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thủy Nguyên được thành lập theo Quyết định số 1734/QĐ-UBND ngày 07/5/2008 của Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên; trên cơ sở chia tách Phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, với chức năng quản lý Nhà nước về: lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thủy Nguyên có 10 công chức, người lao động. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thủy Nguyên không ngừng phấn đấu, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hàng năm, luôn là tập thể lao động tiên tiến; tập thể và cá nhân công chức của phòng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu Tập thể Lao động tiến tiến, xuất sắc, danh hiệu chiến sĩ thi đua; Đặc biệt, năm 2009 phòng được nhận Cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu khối huyện do Ủy ban nhân dân thành phố tặng. Công đoàn đạt danh hiệu “Công đoàn vững mạnh xuất sắc”.

 13. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN TIÊN LÃNG

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiên Lãng được thành lập theo Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 06/5/2008 của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, trên cơ sở chia tách Phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội huyện; Quyết định số 2275/2010/QĐ-UB ngày 19/10/2010 của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng về việc ban hành quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiên Lãng, cụ thể thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiên Lãng có 10 công chức, người lao động. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiên Lãng không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hàng năm, luôn là tập thể lao động tiên tiến; tập thể và cá nhân công chức của phòng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu Tập thể Lao động tiến tiến, xuất sắc, danh hiệu chiến sĩ thi đua; Đặc biệt, năm 2009 phòng được nhận Cờ thi đua xuất sắc. Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.Công đoàn đạt danh hiệu “Công đoàn vững mạnh xuất sắc”.

 14. PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN VĨNH BẢO

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Bảo là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân huyện và theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Bảo có 09 công chức, người lao động. Tập thể công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Bảo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hàng năm, là tập thể lao động tiên tiến; tập thể và cá nhân công chức của phòng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu Tập thể Lao động tiến tiến, xuất sắc, danh hiệu chiến sĩ thi đua. Đặc biệt, những năm 1970-1980 được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước; những năm 1980-1990 ngành Lao động - Thương binh và Xã hội huyện luôn là lá cờ đầu khối huyện của thành phố; năm 2011,  được Ủy ban nhân dân thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc. Chi bộ hằng năm đạt trong sạch vững mạnh.Công đoàn đạt danh hiệu “Công đoàn vững mạnh xuất sắc”.

 

DANH SÁCH LÃNH ĐẠO SỞ CÁC THỜI KỲ

 

I. NGÀNH LAO ĐỘNG

1. Ty Lao động Kiến An (1955 - 1962)

- Đồng chí Nguyễn Thi, Trưởng ty

2. Sở Lao động Hải Phòng (1955 - 1962)

- Đồng chí Hoàng Cương, Giám đốc (1955 - 1959)

- Đồng chí Nguyễn Linh, Quyền Giám đốc (1959 - 1960)

- Đồng chí Châu Ký, Giám đốc (1960 - 1962)

- Đồng chí Cáp Trọng Tín, Phó Giám đốc (1961 - 1962)

II. NGÀNH THƯƠNG BINH - XÃ HỘI

1. Ban Thương binh - Xã hội Kiến An (1955 - 1962)

(Văn phòng Ủy ban hành chính tỉnh)

2. Ban Thương binh - Xã hội Hải Phòng (1955 - 1962)

(Văn phòng Ủy ban hành chính thành phố)                      

Đồng chí Vũ Thị Chính, Trưởng ban (1955 - 1962)

III. THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (1963 - 2015)

(Hải Phòng - Kiến An hợp nhất)

1. Sở Lao động (1963 - 3/1988)

- Đồng chí Châu Ký, Giám đốc (1963 - 1968)

- Đồng chí Cáp Trọng Tín, Phó Giám đốc (1963 - 1980)

- Đồng chí Vũ Thị Chính, Phó Giám đốc (1963 - 1968); Phó Giám đốc phụ trách (1968 - 1971)

- Đồng chí Trần Bá Đề, Phó Giám đốc (1966 - 1970)

- Đồng chí Phạm Gia Tuân, Phó Chủ tịch UBHC thành phố kiêm Giám đốc (1968-1973)

- Đồng chí Vũ Thị Chính, Giám đốc (1973 - 1984)

- Đồng chí Hoàng Ngọc Trì, Phó Giám đốc (1979 - 1984); Quyền Giám đốc (1984 - 1985); Giám đốc (1985 - 1986)

- Đồng chí Nguyễn Lương Trào, Thành ủy viên, Phó Giám đốc (1985 - 1986); Giám đốc (1986 - 1987)

- Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc

2. Ban Thương binh và Xã hội

(Thuộc Ban Tổ chức - Dân chính thành phố 1963 - 1972)

3. Sở Thương binh - Xã hội (1972 - 3/1988)

- Đồng chí Nguyễn Chất, Giám đốc

- Đồng chí Lê Vĩnh, Giám đốc

- Đồng chí Phạm Ảnh, Giám đốc

- Đồng chí Thanh Long, Phó Giám đốc

- Đồng chí Lã Văn Uẩn, Phó Giám đốc

- Đồng chí Nguyễn Thị Thiện, Phó Giám đốc

- Đồng chí Hoàng Thị Nghị, Phó Giám đốc

- Đồng chí Nguyễn Xuân Kiền, Phó Giám đốc

- Đồng chí Phạm Công Hiến, Phó Giám đốc

4. Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (1988 - 2020)

4.1. Giám đốc:

- Đồng chí Nguyễn Lương Trào, Thành ủy viên (1988 - 1991)    

- Đồng chí Lưu Văn Dứa, Thành ủy viên (01/1992 - 9/1992)

- Đồng chí Phạm Văn Huấn, Thành ủy viên (10/1992 - 4/2007)

- Đồng chí Vũ Đình Khang, Thành ủy viên (2007 - 2011)

- Đồng chí Nguyễn Bách Phái, Thành ủy viên (2011- 01/9/2020)
           
              - Đồng chí Đỗ Văn Bình, Giám đốc (04/10/2020 đến nay)


4.2. Các Phó Giám đốc:

- Đồng chí Lưu Văn Dứa (1988 - 1992)

- Đồng chí Nguyễn Văn Sơn (1988 - 1991)

- Đồng chí Nguyễn Xuân Kiền (1988 - 1993)

- Đồng chí Phạm Bá Ần (1989 - 2007)

- Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm (1995 - 1998)

- Đồng chí Trần Xuân Giới (2002 - 2010)

- Đồng chí Lê Thị Đài (2002 - 2012)

- Đồng chí Đặng Văn Tâng (2008 - 11/2014)

- Đồng chí Nguyễn Thị Tâm (2008 - 4/2020)

- Đồng chí Nguyễn Bách Phái (2010 - 2011)

- Đồng chí Ninh Văn Dũng (11/2012 - 4/2014)

- Đồng chí Đỗ Văn Bình (2011 đến nay)

- Đồng chí Trần Văn Huy (2014 đến nay)

- Đồng chí Dương Đình Ổn (từ tháng 7/2020 đến nay)./.

Tin liên quan
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0